|
Đa dạng cây - trái ngon trong những lần hội thi trước. Ảnh: T. Chiến |
Sinh vật cảnh, nhất là sản phẩm hoa kiểng không thể thiếu trong Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn nhiều năm qua. Chính hoa kiểng đã làm nên nét đặc trưng của vùng sông nước Bến Tre, hình thành tên tuổi cho xứ sở Cái Mơn nói riêng, Chợ Lách nói chung.
Bình quân mỗi năm, Chợ Lách sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hàng chục triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Trong đó, nổi bật vẫn là mai vàng, bon sai, kiểng hình. Mỗi môn đều toát lên nét độc đáo, tinh tế về độ thẩm mỹ, tài hoa, sáng tạo của nghệ nhân trên vùng đất vốn có truyền thống sản xuất hoa kiểng từ rất lâu đời. Đến với Ngày hội Cây - trái ngon an toàn hàng năm, Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách luôn vận động nghệ nhân trên địa bàn tham gia trưng bày nhiều loại cây cảnh có sự đầu tư cao về giá trị nghệ thuật. Nếu những năm trước đây, chỉ có nghệ nhân các xã trong huyện tham gia thi tài và trưng bày các loại cây cảnh, bon sai thì Ngày hội lần thứ XIII năm 2013, phạm vi được mở rộng trên toàn tỉnh, với 3 loại bon sai chủ yếu. Đó là bon sai tiểu (cao dưới 30cm), bon sai trung (từ 31cm đến dưới 70cm) và bon sai tiểu cảnh non bộ, sẽ có 30 sản phẩm dự thi. Mỗi thể loại cũng sẽ có 5 cây có giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Ông Trần Minh Mẫn - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện cho biết, thời gian để các huyện đăng ký tham gia là đến hết ngày 10-5-2013. Đến thời điểm này, ngoài huyện Chợ Lách đăng cai tổ chức, toàn tỉnh đã có Mỏ Cày Nam, TP. Bến Tre và Giồng Trôm đăng ký tham gia. Theo đánh giá bước đầu của Hội Sinh vật cảnh huyện, các sản phẩm của các huyện đăng ký đều có chất lượng, mang tính đa dạng và số lượng vượt chỉ tiêu. Các xã trong huyện như Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều sản phẩm đặc sắc để đăng ký tham gia. Về thành phần Ban Giám khảo chấm giải và các tiêu chuẩn chấm giải năm nay cũng sẽ có nhiều điểm mới hơn so mọi năm. Hội Sinh vật cảnh huyện sẽ mời các thành viên đến từ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre và Trung tâm Dịch vụ Sinh vật cảnh TP. Hồ Chí Minh tham gia Ban Giám khảo nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng đối với từng giải thưởng. Thể lệ dự thi cũng như tiêu chuẩn để chấm giải năm nay cũng sẽ khắt khe, khách quan hơn nhằm đạt được mục đích của hội thi là chọn ra những sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất từ những nghệ nhân có đôi tay vàng, góp phần nâng cao dần chất lượng hội thi cũng như chất lượng sản phẩm.
Gốc bon sai mai chiếu thủy của anh Duy đoạt giải cao, tại Hội thi Sinh vật cảnh năm 2012, hiện có giá ngoài 20 triệu đồng. Ảnh: Cẩm Trúc
Đánh giá về tính hiệu quả sau những lần tham gia Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn trên địa bàn huyện, ông Trần Minh Mẫn cho biết, nhiều sản phẩm của nghệ nhân trưng bày đều có khách tứ phương đăng ký mua lại với giá cao. Khách tham quan cũng tìm đến tận nhà của các nghệ nhân có sản phẩm độc đáo để tham quan, học hỏi và đặt vấn đề hợp đồng tiêu thụ. Cũng từ Hội thi Sinh vật cảnh, đã có thêm nhiều nghệ nhân trẻ, tài hoa mới xuất hiện. Nghệ nhân trẻ Lê Minh Tâm, Nguyễn Minh Duy… Dù mới 33 tuổi nhưng anh Nguyễn Minh Duy - xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) đã có trên 10 năm gắn bó với nghề. Hàng ngàn sản phẩm hoa kiểng trước sân nhà đều là những “đứa con” xuất phát từ tình yêu, sở thích của anh từ thuở nhỏ. Có những sản phẩm được anh nuôi dưỡng qua nhiều năm, đặc biệt là bon sai - một bộ môn đòi hỏi nghệ nhân lĩnh hội cao về tính nghệ thuật. Chính vì niềm yêu thích được nuôi dưỡng và kinh nghiệm được phát triển qua nhiều năm nên sản phẩm bon sai của nghệ nhân trẻ Nguyễn Minh Duy luôn có giải và được đánh giá cao tại các hội thi sinh vật cảnh của Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn hàng năm. Sản phẩm của anh có giá dao động từ 500 ngàn đồng đến khoảng 60-70 chục triệu đồng. Anh đã chuẩn bị những sản phẩm bon sai độc đáo nhất để mang đến hội thi.
Đến với Hội thi Sinh vật cảnh tại Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre, nghệ nhân sinh vật cảnh có cơ hội để quảng bá sản phẩm nghệ thuật, đưa cái đẹp đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của đối tượng yêu thích hoa kiểng, quan hệ hợp tác. Hơn thế, hội thi còn là sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm. Qua đó, nghệ nhân có ý thức trau dồi, bồi dưỡng tài nghệ của mình để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về hưởng thụ, thưởng thức cái đẹp và giá trị văn hóa - nghệ thuật của con người.