Sử dụng thảm sinh học trong chăn nuôi heo

07/01/2013 - 08:05
Chăn nuôi heo với mô hình thảm sinh học.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong tháng 12 - 2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc, được đánh giá rất khả thi về tính khoa học trong chăn nuôi. Hơn một năm qua, các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu áp dụng trong chăn nuôi heo. Năm 2012, qua tìm hiểu thực tế ở Đồng Tháp, anh Nguyễn Hoàng Tuấn - ấp 2, xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre) đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng mở trang trại chăn nuôi heo với việc áp dụng thảm sinh học: heo không cần tắm rửa nên không ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xây dựng chuồng trại, tận dụng phế phẩm để bón cho cây trồng.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, khi tham quan mô hình được biết, ngay trong lòng thành phố ở Đồng Tháp nhưng những người dân sống chung quanh không phản ảnh gì về môi trường. Đây là yếu tố rất cần thiết cho việc chăn nuôi heo. Tháng 4 - 2012, anh Tuấn quyết định mở trang trại và tháng 6, anh bắt đầu thả nuôi 120 con heo. Qua bốn tháng nuôi, heo tăng trọng không kém so với cách chăn nuôi trước đây (nuôi heo có tắm rửa và cho ăn thức ăn công nghiệp). Hiện anh đã xuất chuồng đợt 1 với vài tấn heo thịt, giá bán cao hơn heo công nghiệp 400 ngàn đồng/tạ (bởi chất lượng thịt tốt hơn so với heo nuôi kiểu công nghiệp, thương lái ưa chuộng hơn). Kỹ thuật chăn nuôi theo mô hình này rất đơn giản, dễ áp dụng. Người nuôi chỉ đầu tư xây chuồng, phân theo từng hộc (kích thước 3m ngang, dài 3,5m, tường cao khoảng 1,2m. Bình quân 1m2 cho ba con heo là thích hợp). Sau khi bơm cát vào nền, không cần tráng xi-măng, sử dụng mụn dừa trộn với men chế phẩm sinh học Banasa 01 rải đều trong chuồng, dầy khoảng 40cm2, ủ khoảng một ngày sau là có thể thả heo nuôi. Khi pha trộn men với mụn dừa, cần thêm nước để giữ ẩm độ khoảng 70% thì mới diệt được vi khuẩn gây bệnh cho heo sau này. Hiện anh nuôi theo kiểu truyền thống, thức ăn cho heo chủ yếu là hèm trộn với cám. Tuy thời gian chăn nuôi kéo dài hơn khoảng một đến hai tháng so với nuôi heo kiểu công nghiệp, nhưng bù lại giá thành sẽ cao hơn, đảm bảo chất lượng thịt tốt hơn (không có dư lượng hóa chất trong thịt, cụ thể như chất tạo nạc, chất tăng trọng). Anh Tuấn đang đầu tư mở rộng trang trại. Anh Tuấn cho biết, năm tới sẽ đầu tư thả nuôi khoảng hơn 400 con với 22 hộc nuôi. Anh Phạm Tấn Đạt - cán bộ Kinh tế - kế hoạch xã Phú Nhuận cho biết, đây là mô hình chăn nuôi kiểu mới, rất phù hợp với tình hình chăn nuôi hiện nay, đặc biệt là chăn nuôi heo trong khu dân cư. Cùng với mô hình này, địa phương đang áp dụng mô hình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP khoảng 70ha cho bà con để góp phần đạt tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới.

Khi áp dụng mô hình, hàng tháng trang trại tiếp rất nhiều đoàn khách đến tham quan từ Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Châu Thành. Bà Huỳnh Thị Ngà - Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố nhận xét: Mô hình không chỉ đảm bảo được yếu tố môi trường mà còn giảm được chi phí đầu tư như chuồng trại, điện, nước và tận dụng được phế phẩm trong chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng Anh Tuấn cho biết thêm: Sau khi heo xuất chuồng, phế phẩm thu được bán cho nhà vườn bón cây có giá 15.000 đồng/bao (loại bao thức ăn cho heo).

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN