Sinh viên tình nguyện, bộ đội và người dân ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa cùng nhau làm đường giao thông nông thôn.
Thực hiện tốt công tác đối ứng
Tôi đến ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa vào giữa buổi sáng, từ xa đã nghe tiếng lao xao, hòa vào tiếng cối trộn bê-tông là tiếng hò reo “dô ta”, tiếng cười nói vui vẻ tại công trường. Tuyến đường giao thông nông thôn qua ấp Bình Thanh là tuyến đường quy hoạch cấp C, dài 1.230m là một trong những tuyến đường còn lại để giúp Hòa Nghĩa hoàn thành tiêu chí số 2 trong xây dựng NTM. Đóng quân ở đây từ những ngày đầu tháng 7 là đội hình “Mùa hè xanh” của sinh viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa với 23 sinh viên. Ngoài ra, còn có lực lượng “Hành quân xanh” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 50 chiến sĩ, đội hình “Niềm tin xanh” của Trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc) và học sinh sinh hoạt hè. Tiến độ thi công hiện đã đạt 824m.
Năm nay, công tác đối ứng được các địa phương có chiến sĩ đặc biệt chú trọng. Tại Hòa Nghĩa, chị Trần Thị Kim Ngân - Bí thư Xã đoàn cho biết, công tác đối ứng được chuẩn bị trước 1 tháng khi đón đội hình về đóng quân. Ngoài chuẩn bị sẵn sàng phần nền hạ, xã vận động bà con nhân dân và đoàn viên, thanh niên địa phương hỗ trợ ngày công, tham gia cùng làm với các em với tỷ lệ 1-1. Ông Ba Thuấn, người dân ngụ tại ấp Bình Thanh chia sẻ: “Mình thấy các em và bộ đội làm cực quá thì ra phụ. Khi công trình hoàn thành thì dân mình ở đây trực tiếp hưởng lợi. Có được con đường đi sạch đẹp, bà con sẽ phấn khởi lắm”.
Trong khi nhóm các chú, các anh tập trung ở các tổ máy để phụ cào bê-tông, lúi húi phía sau phụ chuyển vật tư có cả một nhóm 5, 6 cô, dì cũng loay hoay làm việc nhiệt tình. Tranh thủ lúc các dì, các cô ngồi nghỉ mệt, tôi đến bắt chuyện với họ thì được biết các dì thuộc nhóm làm việc thiện nguyện từ các xã khác nhau ở huyện Chợ Lách tụ họp nhau lại, nơi nào có công trình cần công giúp thì nhóm các dì đến phụ. Đặc biệt, trong nhóm có dì Nguyễn Thị Nữ, người dân xã Hòa Nghĩa, nay đã 73 tuổi cũng nhiệt tình phụ xúc cát. Vừa tươi cười, dì Nữ vừa tâm sự: “Mình còn làm được thì ra phụ giúp với các em, các cháu để nhanh có con đường cho bà con mình đi lại dễ dàng hơn”.
Tại ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Hòa, nơi có tuyến đường cấp B dài nhất mùa chiến dịch năm nay ở Chợ Lách (1.504m), công tác đối ứng lực lượng cũng được địa phương chú trọng. Ông Lê Văn Thống - Trưởng ấp Hòa Lộc cho biết: “Tuyến đường từ hồi bắt tay vào phát quang, chuẩn bị nền hạ tới nay đã được khoảng 100 ngày. Mở ra làm con đường này bà con rất mừng, chúng tôi dốc toàn lực cùng đối ứng với lực lượng để công trình hoàn thành đúng tiến độ”.
Anh Huỳnh Văn Tài - Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hòa cho biết, đội hình tại ấp Hòa Lộc gồm 86 chiến sĩ hai khoa: Điện, Khoa học và Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách Khoa. Địa phương đối ứng theo tỷ lệ 7-3 (7 chiến sĩ, 3 người dân địa phương), thường trực Ban chỉ huy chiến dịch cấp xã luôn túc trực, cùng làm với chiến sĩ tại công trình để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo tình hình sức khỏe chiến sĩ.
Qua nửa tháng thi công, tuyến đường đã thực hiện được hơn 600m. Anh Huỳnh Văn Tài cho biết: “Tuyến đường có nhiều đoạn quanh co nên mất nhiều thời gian và vật tư, vì những đoạn cua như vậy làm phải gấp đôi công so với đường thẳng. Nửa cuối tháng 7-2019, sẽ được sự tiếp sức từ đội hình “Hành quân xanh” của lực lượng vũ trang và công an huyện, quyết tâm dốc toàn lực hoàn thành công trình”. Công trình được trang bị 9 máy trộn bê-tông (có 3 máy dự phòng), mỗi ngày thực hiện 90m đường.
Người dân ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Hòa cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn với sinh viên tình nguyện. Ảnh: T. Đồng
Chăm lo chu đáo cho chiến sĩ tình nguyện
Cùng với bố trí lực lượng đối ứng thi công công trình, các địa phương cũng chú trọng công tác chăm lo cho chiến sĩ một cách chu đáo. Chị Trần Thị Kim Ngân - Bí thư Xã đoàn Hòa Nghĩa cho biết, công tác chăm lo cho chiến sĩ được Ban chỉ đạo xã đặc biệt quan tâm, đơn vị vận động được 9 gia đình cho chiến sĩ ở tại ấp Bình Thanh. Ngoài ra, địa phương vận động các mạnh thường quân tài trợ kinh phí nuôi ăn cho chiến sĩ, có người nhận nấu ăn hàng ngày cho các em.
Vừa rẽ vào ấp Hòa Lộc, đã thấy thấp thoáng trong vườn màu áo xanh tình nguyện, tôi nhận ra ngay đó là những điểm đóng quân của chiến sĩ. Tại đây, với 86 chiến sĩ đóng quân, địa phương tổ chức được 14 điểm ở, mỗi nhà từ 3 - 8 chiến sĩ. Chi phí ăn uống do ấp vận động, xã hội hóa để nuôi chiến sĩ, đảm bảo cho các em được ăn nhẹ giữa bữa, bữa chính, bình quân 13 - 14 bàn/ngày.
Bạn Phạm Quang Lâm - đội trưởng Đội mùa hè xanh Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Em quê ở Bình Phước, đây là lần đầu tiên em tham gia chiến dịch, em rất vui vì tình cảm của các cô bác dành cho tụi em, cô bác hay cho đồ ăn và chăm lo cho tụi em rất chu đáo. Em đã học được nhiều điều từ thực tế, nhất là cách làm việc, giao tiếp với mọi người trong công việc cụ thể. Các cô chú, anh chị ở đây cũng hướng dẫn, dạy bảo thêm cho tụi em, có cái gì chưa được thì đội tụi em sẽ rút kinh nghiệm với nhau. Với em, đây là môi trường học tập và rèn luyện ý nghĩa cho tụi em thêm trưởng thành”.
Công trình Hòa Lộc, Vĩnh Hòa vào giờ nghỉ trưa, các chiến sĩ trẻ hồn nhiên bước đi trên con đường quê ngập nắng, vừa đi vừa hát vang bài ca tuổi trẻ. Con đường này, chỉ hơn 10 bữa nữa thôi, chính tay các em sẽ cùng bà con nơi đây đắp xây nên thật đẹp và khang trang.
Bài, ảnh: Thanh Đồng