Tân Thiềng tập trung thực hiện dự án Quản lý rủi ro thiên tai

22/04/2010 - 14:55
Hoàn thành tuyến đê ven sông Cổ Chiên. Ảnh: H.H

Chợ Lách được bao bọc bởi 2 con sông: Hàm Luông và Cổ Chiên, nên năm nào cũng chịu nhiều lũ, triều cường và xâm nhập mặn. Riêng 3 xã: Vĩnh Bình, Tân Thiềng, Sơn Định do điều kiện địa hình nhiều cồn bãi nên thường có nhiều thiên tai hơn.

Toàn xã có 2.451ha đất tự nhiên, trong đó có 1.450ha đất nông nghiệp. Có 12.089 người dân, trong đó có 90% chuyên sống bằng sản xuất nông nghiệp. Người cần giúp đỡ trong thảm họa thiên tai trên 2.311 người. Trong nhiều năm qua, các công trình cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, nhiều khu vực cồn còn bị cô lập. Từ thực trạng trên, bằng nguồn vốn không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, Sở NN&PTNT đã đầu tư nhiều hạng mục công trình, phi công trình. Năm 2008, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Phát triển xã hội Hà Lan hỗ trợ cho xã nâng cao hiểu biết về giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng. Năm 2009, UBND xã và Ban QLDA giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng đã tổ chức 36 lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách bảo vệ tài sản, tính mạng, với sự tham gia của trên 1.500 học viên là cán bộ ban ngành xã, nhân dân và học sinh; đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo để người dân xây dựng kế hoạch giảm nhẹ thiên tai trước, trong và sau bão. Các lớp tập huấn đã đem lại sự hiểu biết và thay đổi lớn đối với đa số người dân, nhất là các hộ sống trên đất cồn. Trước đây, khi có mưa bão, bà con không chịu sơ tán vào đất liền, nên bị thiệt hại khá lớn. Còn bây giờ, người dân có sự chuẩn bị kỹ hơn, thường xuyên theo dõi thời tiết; nhà cửa được chằng néo cẩn thận. Mỗi gia đình đều có chuẩn bị dự trữ lương thực, thuốc men; người già, trẻ em đều được sơ tán an toàn. Dự án đã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên 211 triệu đồng, bao gồm thiết bị văn phòng; thuyền máy, cưa máy, hệ thống loa phóng thanh và loa tay, áo phao, đèn sạt điện, máy phát điện phục vụ công tác cứu hộ. Đặc biệt, mạng lưới thông tin trên hệ thống loa truyền thanh được củng cố, tăng cường, nên công tác cảnh báo thiên tai đã phát huy tác dụng rõ rệt. Nhiều công trình nhỏ phục vụ cứu nạn, cứu hộ được triển khai thi công. Nhiều tuyến đê đã được xây dựng, như tuyến đê Hai Thật - Út Dãnh là tuyến đê được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, dài 1.265m, rộng 2m, nền 3m, tải trọng 1 tấn ; tuyến đê Ba Lẹt - Ba Dện dài 1.236m, rộng 2m, nền 3m, tải trọng 1 tấn; tuyến đê Ba Hoàng - Đồng Lớn dài 852m, rộng 2m, nền 3m, tải trọng 1 tấn; tuyến đê Cổ Chiên dài 1.673m, rộng 2m, cao trình đê 2,5m. Tuyến đê bao này khép kín 200ha, giúp vườn cây trái không bị ngập úng. Ngoài ra, tuyến đê này còn kết hợp giao thông nông thôn, giải quyết tình trạng đi lại khó khăn của người dân quanh vùng, làm đường tránh bão cho các hộ khu vực cồn Lác, cồn Kiến, cồn Bùn.

Theo Ban quản lý dự án, một trong những thành công bước đầu của dự án là người dân đã xây dựng được kế hoạch làng, xã an toàn. Cái mới là người dân tự đưa ra kế hoạch, giải pháp để cùng chính quyền tìm cách giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai; tự đề xuất mua sắm trang, thiết bị cứu nạn, cứu hộ và đưa ra các giải pháp gìn giữ, bảo quản, sử dụng sao cho có hiệu quả. Người dân cũng thảo luận xác định vùng nào ở địa phương khi có bão lũ bị tổn thương nhiều nhất, để đề xuất xây dựng các công trình thiết thực như nhà tránh bão, đê, cống thoát lũ.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN