Các em học sinh trong giờ học bơi.
Hạn chế tai nạn đuối nước
Ở Việt Nam, trung bình 1 năm có gần 2 ngàn TE bị chết do tai nạn đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển, cao gấp 5,2 lần so với các nước trung bình của các nước ASEAN và gấp 1,3 lần mức trung bình thế giới. Tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nguy cơ TE đuối nước rất cao nếu không được hướng dẫn về kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước.
Từ đầu năm đến ngày 12-5-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ đuối nước ở TE. Mới đây xảy ra 1 vụ tai nạn đuối nước làm 1 học sinh Trường THCS Sơn Đông, TP. Bến Tre tử vong (xảy ra vào ngày 20-5-2021, trên dòng sông Mã) tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đề cao cảnh giác trong quản lý con em. Đặc biệt, tích cực tham gia trong phòng chống đuối nước cho trẻ.
Đề án PCB tỉnh ra đời đã góp phần hạn chế số TE tử vong do đuối nước. Cụ thể, giai đoạn 2003 - 2012, có 158 TE tử vong do đuối nước; giai đoạn 2013 - 2020 (giai đoạn thực hiện Đề án PCB) giảm còn 94 TE tử vong do đuối nước (giảm 64 TE). Một trong những hiệu quả của Đề án PCB là Ban Quản lý đề án cấp tỉnh, huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đã tập trung cao vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về ý nghĩa thiết thực của việc PCB, cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho TE, học sinh.
Từ đề án và huy động các nguồn lực xã hội hóa đã đầu tư, đến nay, toàn tỉnh có 138 hồ bơi, bể bơi di động các loại (trong đó, tư nhân đầu tư 72 hồ bơi, bể bơi di động các loại). Trong giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh tổ chức 4.277 lớp dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho TE. Từ đó, số lượng TE biết bơi (được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận) tăng lên theo từng năm. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ TE trong độ tuổi từ 6 - 15 biết bơi đạt 47,21%.
Bảo vệ trẻ em
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ TE, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về TE đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích TE nói chung, đặc biệt là phòng chống đuối nước TE. UBND tỉnh đã có công văn về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, xâm hại TE.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác bảo vệ TE; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại TE và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền TE và bảo vệ TE. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại TE. Đặc biệt, tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống đuối nước TE ở các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho TE. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ TE, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc TE, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại TE; giám sát, trông coi TE, đặc biệt là TE nhỏ tuổi.
Đối với công tác phòng chống đuối nước cho TE, qua nhiều nỗ lực, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Đề án PCB và tiếp tục triển khai Đề án PCB giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tuy vẫn hoạt động (vì là loại hình thể thao ngoài trời, các hồ bơi đều được đặt ngoài trời) nhưng các hồ bơi đã được bố trí phân bổ nhiều thời gian khác nhau trong ngày và giới hạn số lượng người tập. Theo ngành chuyên môn, việc cho trẻ học bơi vừa để tăng cường sức khỏe, vừa trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.
Theo Ban Quản lý thực hiện Đề án PCB tỉnh, tình trạng đuối nước ở TE trên cả nước nói chung và tỉnh nói riêng là nỗi mất mát, đau thương cho nhiều gia đình và xã hội. Do đó, toàn xã hội, các cấp, các ngành, địa phương cần chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa đuối nước cho TE. Cụ thể, kiểm tra, rà soát, lắp đặt các bảng cảnh báo nguy hiểm tại các nơi tìm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước (ao hồ, sông, kênh rạch, các hố công trình...); chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các cơ sở phải trang bị đầy đủ người trực cứu hộ, cứu đuối tại các hồ bơi, bãi tắm, các khu du lịch có tổ chức các hoạt động trò chơi vận động dưới nước… Tích cực tạo điều kiện cho TE học bơi phòng chống đuối nước, trang bị kỹ năng ứng phó tình huống nguy hiểm, đảm bảo cho trẻ an toàn trong mọi tình huống.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt