Học sinh Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre) phân loại rác nhựa với mô hình Ngôi nhà rác thải nhựa.
Nhiều hình thức tuyên truyền
Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lâm Như Quỳnh cho biết: Công tác tuyên truyền giảm thiểu rác nhựa được triển khai đến các trường học. Mỗi trường đều có những mô hình riêng thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Nhưng hầu hết các trường chưa tập trung tuyên truyền lợi ích việc phân loại rác và thực hiện phân loại như thế nào. Vì vậy, hiệu quả thay đổi hành vi và cách tác động đến người khác, cũng như áp dụng ngay tại nhà mình chưa có”, chị Lâm Như Quỳnh đánh giá.
Một trong các giải pháp về tuyên truyền được triển khai tại các trường học thời gian qua là mô hình Hiệp sĩ xanh bảo vệ môi trường. Đây là cách để học sinh tuyên truyền cho học sinh, nhắc nhở nhau cùng giữ vệ sinh môi trường ngay tại trường lớp mình. Em Võ Thị Mộng Thương, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Hoàng Lam (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) bày tỏ: “Em thấy tuyên truyền từ những buổi sinh hoạt dưới cờ, hay sinh hoạt đội thì quá khô khan. Để học sinh quan tâm hơn vấn đề môi trường, cần kết hợp những hành động cụ thể”. Mộng Thương và nhiều học sinh khác đề xuất giải pháp tuyên truyền là: Không chỉ nói về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường mà cần cho học sinh biết các vật liệu thay thế được khuyến khích sử dụng là gì, lợi ích ra sao...
Là người trực tiếp phụ trách các hoạt động dành cho thanh thiếu nhi và thường xuyên tiếp cận học sinh, anh Diếp Minh Tuấn, công tác tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, thành viên Đội Tuyên truyền bảo vệ môi trường (CFC) chia sẻ: “Đối với học sinh thì cần thái độ mềm dẻo để uốn nắn các em một cách dễ hiểu và thoải mái nhất. Phụ huynh cũng cần nêu gương cho con cái để có hành động đúng. Học sinh khi được tiếp thu kiến thức tại trường thì góp phần thay đổi hành vi trong chính gia đình mình.
Khuyến khích sáng tạo
Theo anh Diếp Minh Tuấn, bên cạnh tuyên truyền về lợi ích, tác hại, cần hướng dẫn học sinh về các giải pháp tái chế, ứng dụng các loại đồ nhựa đã qua sử dụng. Có thể chia nhóm theo sở thích để tái chế vật liệu nhựa thành các dạng như: tranh tường, đồ dùng học tập, sản phẩm gia dụng, các công trình kế hoạch nhỏ...
Có rất nhiều cách để tái sử dụng đồ nhựa đã qua sử dụng như: các chai nước có thể được dùng để trồng cây, trang trí trong lớp. Các nắp chai có thể dùng để trang trí, hay thậm chí là làm phao, bè nổi, làm gạch từ nhựa... “Chúng ta có thể tái chế các chai nhựa thành nông cụ như đồ hái trái cây, bình tưới cây, làm hàng rào, hay thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt từ những chiếc ống hút nhựa đã qua sử dụng...”, em Trần Huỳnh Minh Nguyệt, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Hoàng Lam nêu ý kiến. Tất cả các giải pháp tái chế đều đang hướng con người đến sử dụng vật liệu nhựa một cách có trách nhiệm hơn với môi trường.
Chị Lâm Như Quỳnh thông tin, trong thời gian tới, để góp phần xây dựng Bến Tre xanh, sạch, thân thiện và đáng sống, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiên phong thực hiện các giải pháp trong trường học, quy định cụ thể các tiêu chí về trường học xanh - sạch - năng động cũng như áp dụng các giải pháp phân loại, xử lý rác tại nguồn. Mục đích là để các em học sinh biết cách phân loại rác, hướng dẫn các em ủ phân hữu cơ, ứng dụng thực tế vào cuộc sống, tái chế rác nhựa thành các đồ vật hữu dụng hơn, còn rác nguy hại thì trường sẽ có phương án thu gom.
“Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh sẽ là đơn vị xây dựng mô hình cụ thể, phối hợp với Đội Tuyên truyền bảo vệ môi trường để tuyên truyền thường xuyên và hướng dẫn các em thực hiện. Trường học sẽ là nơi hình thành các mô hình, từ đó học sinh có thể áp dụng các cách xử lý, phân loại rác ngay tại nhà mình”, chị Lâm Như Quỳnh cho hay.
Giảm thiểu rác thải nhựa trong môi trường học đường cần sự quan tâm và chung tay từ các ngành chức năng và tổ chức Đoàn, Hội, Đội để thật sự đạt được bước chuyển quan trọng trong xây dựng Bến Tre xanh - sạch - thân thiện - đáng sống như mục tiêu mà Tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã xác định. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng