Tập huấn khuyến nông phải gắn với mô hình cụ thể

04/12/2012 - 15:35
Nông dân truyền nghề cho nông dân - một hình thức tập huấn khuyến nông gắn với mô hình trồng kiểng lá ở xã Long Thới (Chợ Lách). Ảnh: PY

Khuyến nông là chuỗi các hoạt động liên quan đến công tác tuyên truyền, tập huấn, kết nối, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động nông - lâm - ngư nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất cây trồng, vật nuôi.

Những hoạt động này có thể do cán bộ khuyến nông địa phương trực tiếp tổ chức thực hiện hoặc do cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân khác tham gia thực hiện. Trong hoạt động của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre), khuyến nông là mắt xích của chuỗi giá trị. Vì vậy, công tác này được thực hiện trên cơ sở đề xuất của nhóm hợp tác, có mô hình cụ thể và được giám sát hiệu quả sau học tập. Mới đây, Ban Quản lý Dự án DBRP tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác này nhằm đúc kết kinh nghiệm cho bước tiếp theo.

Ở 50 xã Dự án, có 94,87% hộ dân cho rằng nội dung của công tác khuyến nông trong thời gian qua là phù hợp và đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động đa canh, trong khi nội dung tập huấn chỉ tập trung vào một vài chủ đề cụ thể, nên còn một số hộ dân chưa hài lòng.

Tính kịp thời trong tổ chức hoạt động tập huấn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng nắm bắt tình hình sản xuất của cán bộ khuyến nông và khả năng thực hiện kịp thời của công tác khuyến nông. Thời điểm tối ưu để tổ chức các lớp tập huấn là 15 - 30 ngày khi vụ mới bắt đầu, nhằm cung cấp kỹ thuật canh tác, cách tổ chức thực hiện, phòng chống sâu bệnh dịch hại, có thể tránh được những rủi ro trong quá trình sản xuất. Trên 90% hộ dân khẳng định công tác tổ chức tập huấn khuyến nông trong thời gian qua là kịp mùa vụ, nhưng cũng còn một số hộ cho rằng đôi khi các lớp tập huấn được tổ chức quá sớm, 2 - 3 tháng trước khi mùa vụ mới bắt đầu hoặc có lúc đã xuống giống rồi thì cán bộ khuyến nông mới đến tập huấn kỹ thuật canh tác. Theo ông Dương Thành Lam (giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - chuyên gia tư vấn Dự án BDRP Bến Tre), đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để tiếp tục nâng chất lượng các dịch vụ và thời điểm tập huấn phù hợp, đáp ứng nhu cầu “đúng nội dung, đúng thời điểm, đúng phương pháp”.

Đa số nông dân có trình độ học vấn thấp, khả năng tiếp cận và nắm bắt các thông tin mới còn nhiều hạn chế. Theo ông Lam, cán bộ khuyến nông bên cạnh việc nâng cao về trình độ chuyên môn thì cần lựa chọn phương pháp truyền đạt sao cho người dân nắm bắt được nội dung. Cách truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu, tiếp cận gần gũi, truyền đạt sinh động và có mô hình đi kèm là hình thức được người dân mong muốn. Ngoài ra, nội dung tập huấn có thể áp dụng trong thực tế hay không còn liên quan đến khả năng đầu tư về tài chính, nhân lực, vật tư nông nghiệp khác và trình độ nhận thức của người dân. Ông Nguyễn Trung Chương - Phó Giám đốc Dự án DBRP cho rằng, đây là lý do mà khi tổ chức các lớp tập huấn, yêu cầu bắt buộc của Dự án ở các xã là phải xây dựng mô hình và tập huấn kiến thức để phát triển mô hình đó, không tập huấn chung chung. Có như vậy, khi người dân tham gia tập huấn không phải chỉ lắng nghe, nắm bắt thông tin mà còn tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến để rút kinh nghiệm.

Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ và các dịch vụ kỹ thuật nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển sản xuất là góp phần quan trọng để nâng cao đời sống người dân. Tập huấn khuyến nông gắn với mô hình cụ thể, phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân, đúng thời điểm mùa vụ và cách truyền đạt dễ hiểu là những tiêu chí không thể thiếu trong công tác khuyến nông. Tất cả đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thị trường góp phần cùng sự phát triển chung.

Nguyên Phan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN