 |
Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam (bìa phải), Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (giữa) và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm dự hội thảo. Ảnh: Mã Phương |
Sáng 21-9-2017, UBND tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dự kiến lộ trình cho tỉnh Bến Tre”. Ông Trần Ngọc Tam - Phó bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các ngành liên quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nhóm chuyên gia đến từ một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh tham dự.
Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cho biết, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp hiện nay chiếm hơn 44%
tổng giá trị sản phẩm của tỉnh và đang được phát triển theo hướng sản xuất an
toàn (GAP), thâm canh, chuyên canh, quy mô lớn trên cơ sở liên kết thông qua
tăng năng suất và liên kết chuỗi giá trị. Một số dự án, mô hình phát triển nông
nghiệp đúng với định hướng đã dần xuất hiện, nhiều nhất ở 8 mặt hàng nông sản
chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, cây giống - hoa kiểng,
bò, tôm biển, heo). Đến nay, Bến Tre đã xây dựng được 5 mô hình trồng trọt ứng
dụng công nghệ cao, với gần 10.000m2 nhà lưới để sản xuất các loại rau, quả cao
cấp, an toàn. Các mô hình cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra xu hướng của nền nông
nghiệp thế giới; đồng thời cho rằng, để đảm bảo đầu ra ổn định, sản xuất phải
chú ý đến thị trường tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật; giới
thiệu một số mô hình quản lý có hệ thống từ sản xuất đến tiêu thụ, có truy xuất
nguồn gốc, xuất xứ của hàng nông sản ở khu vực miền Bắc.
Chuyên gia máy tính Nguyễn Ngọc Nhã Nam thuyết trình tại hội thảo. Ảnh: Mã Phương
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết,
phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu
trong xu thế hội nhập. Đây là giải pháp hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông
nghiệp của tỉnh. Từ nay đến năm 2020, Bến Tre tiếp tục củng cố và đưa Trung tâm
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học Cái Mơn đi vào
hoạt động hiệu quả. Đồng thời, xã hội hóa và mời gọi doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở xác định cây trồng, vật
nuôi có lợi thế ở địa phương, tỉnh lựa chọn quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng
nông nghiệp công nghệ cao thuận lợi về sản xuất và tiêu thụ nông sản để xây dựng
lộ trình hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trên các
loại sản phẩm chủ lực là hoa kiểng, cây giống, thủy sản, cây ăn quả đặc sản…
Hàng năm, tỉnh có chính sách hỗ trợ mở rộng liên kết sản
xuất tiêu thụ thông qua đào tạo, tín dụng, ưu tiên đầu tư hỗ trợ trước về cơ sở
hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường cho đến khi công nhận vùng sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai
phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương.