Tập trung tìm giải pháp ổn định sản xuất, phát triển kinh tế

17/06/2012 - 18:09

Sáu tháng đầu năm 2012, giá cả hàng nông sản, nhất là dừa, heo hơi, gà thịt liên tục giảm đã ảnh hưởng đến đời sống nông dân, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, không chỉ có giá dừa liên tục giảm trong thời gian qua, vào đầu năm, giá heo hơi ở mức 4,2 triệu đồng/tạ, giá gà thịt dao động từ 75 ngàn đồng/kg đến 80 ngàn đồng/kg thì hiện nay giá heo hơi còn 3,5 triệu đồng/tạ, gà thịt còn 55 ngàn đồng/kg. Các sản phẩm trên chính là những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp huyện nhà. Tổng đàn heo của huyện hiện khoảng 100 ngàn con, đàn gia cầm khoảng 668 ngàn con, trong đó, đàn gà là 578 ngàn con. Nhìn chung, quy mô đàn gia súc, gia cầm của huyện có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2011 nhưng thu nhập của người dân đang có chiều hướng chựng lại, thậm chí một số hộ sụt giảm. Lĩnh vực trồng trọt do chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất thường nên năng suất và chất lượng sản phẩm không cao. Hơn 3.100 ha cây ăn trái cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 10.489 tấn, giảm 8,8% so cùng kỳ năm 2011; sản xuất cây giống và hoa kiểng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua với khoảng 25ha trồng hoa tươi các loại, 90ha cây kiểng tập trung ở các xã Hưng Khánh Trung A, Phước Mỹ Trung, Thạnh Ngãi, và Thanh Tân tiêu thụ khó khăn, sức mua giảm; diện tích mía tiếp tục giảm còn khoảng 135ha, sản lượng 9.057 tấn, người dân trồng không tập trung nên khó áp dụng các biện pháp thâm canh, năng suất không cao. Chỉ có rau màu được trồng tập trung ở Nhuận Phú Tân và Khánh Thạnh Tân với 408ha, thu hoạch đạt hơn 5.800 tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Trước những bất lợi về giá cả hàng nông sản, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Tìm đầu ra cho nông sản là vấn đề được huyện chọn làm giải pháp tối ưu. Đối với heo và gà, huyện khuyến khích thương lái tìm thị trường, đồng thời giới thiệu về năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của nông dân Mỏ Cày Bắc đến các công ty chế biến, dịch vụ ở TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá, nếu các loại hàng nông sản khác cũng có người đứng ra làm đại lý, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định như doanh nghiệp Hương Miền Tây đã làm tốt việc tìm đầu ra cho trái bưởi da xanh thì tình hình giá cả có thể sẽ được cải thiện theo chiều hướng có lợi cho người nông dân.

Mặc dù lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế của huyện vẫn có bước phát triển. Khu vực thương mại - dịch vụ tiếp tục ổn định, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cố gắng duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp, hộ cá thể có kế hoạch sản xuất phù hợp nên sản xuất ổn định và tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống từ dừa, các doanh nghiệp còn mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm may gia công, đan đác, chế biến thực phẩm. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng qua ước thực hiện được 155,3 tỷ đồng, đạt 51,7 % kế hoạch năm. Trong đó, các doanh nghiệp đạt 58 tỷ đồng, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 97,3 tỷ đồng. Số lượng hộ kinh doanh trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ không ngừng tăng, hàng hóa trên thị trường phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước khoảng 246 tỷ đồng, đạt 60,7% kế hoạch năm. Phương tiện, năng lực vận tải hàng hóa tăng nhanh, ước khối lượng vận tải hàng hóa tăng 10% và khối lượng luân chuyển tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2011. Tình hình đầu tư sản xuất của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện tiến triển tốt, đã cấp mới 101 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với số vốn đăng ký là 5,05 tỷ đồng.

Trên thực tế, một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến dừa báo cáo gặp khó khăn. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập đoàn công tác đến tìm hiểu và đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất. Trên cơ sở đó, sẽ có đề xuất về tỉnh, đồng thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trước mắt, huyện tiếp tục thực hiện chương trình khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở, tranh thủ vốn khuyến công của tỉnh đầu tư cải tiến trang thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Thanh Tân; đồng thời, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng cụm công nghiệp may mặc ở xã Tân Thành Bình. Đó là những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là đối với huyện mới thành lập như Mỏ Cày Bắc được xem là một trong những điều kiện nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển về lâu, về dài. Các công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư từ Trung ương, ngân sách tỉnh và vốn cân đối ngân sách huyện trong những tháng qua như giao thông, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính... đã giải ngân trên 26,6 tỷ đồng, đạt 36,8% kế hoạch vốn.

Với sự quan tâm, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực của các cấp, ngành trong tìm và thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển cùng với sự đồng thuận, quyết tâm của người dân, hy vọng những khó khăn sẽ được tháo gỡ, kinh tế - xã hội của huyện sẽ có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch vào cuối năm nay.

Thành Mãi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN