Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại cuộc họp.
Theo dự thảo đề cương, hoạt động trưng bày có tên gọi “Nguyễn Đình Chiểu - Nhân cách văn hóa thế kỷ 19”. Nội dung gồm 4 chủ đề chính: Quê hương và gia đình, Cuộc đời, Nhà thơ lớn - Nhà Văn hóa lớn và Nguyễn Đình Chiểu sống mãi. Mỗi chủ đề sẽ có các tiểu mục nhỏ minh họa thêm cho từng chủ đề; trong đó, giới thiệu và diễn xướng các tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu, các bài viết và nghiên cứu về cụ, phần trưng bày tưởng nhớ và tri ân…
Theo đơn vị thực hiện, việc khó khăn trong việc tổ chức thực hiện là khan hiếm về nguồn tư liệu liên quan cụ Nguyễn Đình Chiểu, tuy nhiên, các đơn vị hữu quan đã nỗ lực sưu tầm từ nhiều nguồn trong cả nước. Phần thiết kế trưng bày theo nhiều hình thức đa dạng, bằng tài liệu, hiện vật (bản gốc và bản scan chất lượng cao), ảnh tư liệu, phim, tai nghe, đồ họa…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý để hoàn chỉnh nội dung. Cụ thể, cần xem xét lại chủ đề phù hợp; rà soát kỹ các thông tin, chính tả, chú thích, dẫn nguồn trong các tư liệu; cần làm rõ hơn thời gian một số tư liệu, tính logic, bố cục trong từng phần nội dung. Đồng thời, khi trưng bày, cần chọn lọc để làm nổi bật các từ khóa “yêu nước, yêu hòa bình, học thức, giáo dục, ý chí vươn lên, sự khoan dung” trong đạo đức, nhân cách của cụ Đồ Chiểu; thể hiện tính phổ thông, dễ hiểu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đã ghi nhận những nổ lực của đơn vị thực hiện trong xây dựng đề cương trưng bày và sưu tập tư liệu. Đồng thời lưu ý, đơn vị thực hiện tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện nội dung; nghiên cứu đề xuất tên chủ đề phù hợp. Đề cương cần xem xét có điểm nhấn trọng tâm, sắp xếp lại cho logic, chọn lọc tài liệu, hiện vật phù hợp theo chủ đề, nhất là đề cao các giá trị theo tinh thần UNESCO đề ra. Cần hết sức tập trung, khẩn trương hoàn thành công việc để đảm bảo tiến độ thực hiện và đạt hiệu quả trưng bày tốt nhất, không chỉ phục vụ trưng bày hiện tại mà còn để lại sử dụng các giá trị về sau.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt