|
Phun chất chống thấm trên mặt cầu - một trong những công đoạn cuối cùng. Ảnh: TR.Q |
Cầu Hàm Luông trên quốc lộ 60, nối thành phố Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc, đưa khu vực Cù Lao Minh thoát khỏi tình trạng ốc đảo bị chia cắt bấy lâu. Cầu được xây dựng tại vị trí cách phà Hàm Luông 2,3km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn dự án là 8.216m, trong đó cầu chính và cầu dẫn dài 1.277m, cầu nhỏ trên tuyến dài 450m, đường dẫn vào cầu dài 6.486m, bề rộng mặt cầu 16m.
Trung tuần tháng 3-2010, tôi đến cầu Hàm Luông, đi trong cái nắng oi bức nhưng trong lòng rộn lên niềm vui khó tả. Ngay điểm đầu của dự án cầu Hàm Luông - quốc lộ 60 (phía thành phố Bến Tre), tôi bắt gặp khẩu hiệu “Công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Bộ Giao thông vận tải-chủ đầu tư chọn cầu Hàm Luông là công trình chào mừng sự kiện này với ý nghĩa đánh dấu bước tiến về kỹ thuật của các đơn vị thi công công trình. Đây là cây cầu đầu tiên của Việt Nam, có các trụ chính T9-T10, T10-T11 và T11-T12 được đúc hẫng cân bằng vượt, khẩu độ thông thuyền lớn nhất (150 mét). Và đối với nhân dân Bến Tre, cầu Hàm Luông mang ý nghĩa sâu sắc bởi nó đã nối liền ba dải cù lao.
Đường dẫn vào cầu (phía thành phố Bến Tre) đã được mở rộng so dự kiến ban đầu, phần giữa con đường đã hình thành dải phân cách. Nắng đang ở đỉnh đầu, nhưng không khí làm việc của công nhân vẫn nhộn nhịp. Những chiếc xe tải phun thảm lớp nhựa hai bên mặt đường luân phiên nổ máy. Những mét đường dẫn vào cầu chính hoàn thiện dần.
Cầu Hàm Luông sắp được khánh thành. Ảnh: T.Long
Anh Lê Thảo Tâm, đốc công của Công ty cổ phần cầu 12, đơn vị thi công phân nửa cầu chính phía thành phố Bến Tre bộc bạch: Ngay thời điểm này, áp lực công việc đối với công nhân đã lắng dịu rất nhiều. Công nhân không còn làm việc tăng ca. Phần lớn, anh em đã chuyển đi làm việc ở công trình mới. Số công nhân ở lại công trường thi công lắp bê-tông vào các khe co giãn, vệ sinh mặt cầu, phun chất chống thấm để 3 ngày sau triển khai thảm nhựa. Anh Tâm nói vui: Trong xây dựng, anh em bọn tôi ví cây cầu như một thiếu nữ, phải sắc sảo về nội dung lẫn hình thức. Chúng tôi đang bắt tay vào công đoạn tạo thẩm mỹ để tăng thêm vẻ đẹp cho cây cầu. Tôi hướng mắt về hạ lưu khoảng hai cây số, bắt gặp những chiếc phà chở đầy khách và phương tiện qua lại cập bến. Một suy nghĩ lóe lên trong tôi: Có những người đã mấy chục năm cùng những chiếc phà không ngại nắng mưa, sương gió để đưa khách sang sông, giờ họ sắp hoàn thành sứ mạng lịch sử. Công việc của họ đã có sự thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi vì lợi ích đã đến với bao người. Không ít người trong số hành khách của họ vẫn lưu giữ hình ảnh đẹp về thái độ, cung cách phục vụ của anh công nhân phà.
Nước sông Hàm Luông đang dâng cao. Sóng nhấp nhô vỗ khẽ vào những mạn thuyền như đùa giỡn. Dõi mắt về phía Mỏ Cày Bắc, một màu xanh bạt ngàn của những hàng dừa, vườn cây ăn trái, tôi lại nhớ đến lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Bắc mới đây: Cơ cấu kinh tế của huyện phải gắn việc cầu Hàm Luông được khánh thành, cộng với khu công nghiệp 300 ha của tỉnh nằm ở Thanh Tân. Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Khánh Thạnh Tân hoàn toàn có thể phát triển rộng đến Nhuận Phú Tân. Khu công nghiệp và cụm công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi đường bộ lẫn đường thủy và gắn vùng nguyên liệu dừa sẽ tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Như tiếp thêm niềm vui, anh Lê Mạnh Hùng, Trưởng tư vấn giám sát công trình cầu Hàm Luông - quốc lộ 60, chỉ tay về phía trước: Ông thấy đó, đường dẫn vào cầu phía Mỏ Cày Bắc đã thảm xong nhựa mặt đường lần 2. Các đơn vị thi công đang triển khai việc sơn, kẻ, vẽ mặt đường và cắm cọc tiêu biển báo. Ngày 15-4-2010, các gói thầu hoàn thành nốt hạng mục phụ trợ. Và ngày 24-4-2010, cầu Hàm Luông được khánh thành đưa vào hoạt động. Thấy tôi hơi bất ngờ, anh Hùng lý giải: Trước đây, Bộ Giao thông vận tải dự kiến khánh thành vào 30-4-2010, nhưng nhờ các gói thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nên các hạng mục hoàn thành sớm. Anh nhấn mạnh: Cầu, đường đã hoàn thiện thì phải khánh thành để bà con khỏi phải chờ.
Cầu Hàm Luông, cây cầu mơ ước từ lâu trở thành hiện thực. Cầu Hàm Luông thay phà nối đôi bờ vui và đảm nhận một sứ mạng lịch sử mới. Tại buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây bày tỏ với phóng viên: Cầu Rạch Miễu khánh thành tạo kỳ vọng lớn cho Bến Tre; và đến cầu Hàm Luông cũng sẽ khánh thành, mở ra cơ hội mới cho gần 600.000 người dân thuộc cù lao Minh được gắn kết cù lao Bảo. Cầu Hàm Luông được khánh thành chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự năng động, nhạy bén, phấn đấu vươn lên của các huyện thuộc cù lao Minh. Thành công lớn của cầu Hàm Luông là phá thế cô lập, gắn kết giữa các huyện với thành phố Bến Tre - trung tâm của tỉnh, tạo sự thân thiện với các doanh nghiệp ngay lần đầu đến Bến Tre tìm cơ hội đầu tư khai thác lợi thế tiềm năng.