Thành Long ngày nay

28/05/2012 - 08:08

Ấp Thành Long thuộc xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam), được sông Cổ Chiên bao bọc. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân đã tạo diện mạo mới cho vùng đất cồn...

Chiếc phà cây hoạt động thường xuyên, chở khách qua lại giữa cồn và đất liền khá an toàn. Nhìn về phía thượng nguồn, cách vài chục mét là cầu Tân Điền - một hạng mục nằm trong Dự án cầu Cổ Chiên đang được thi công. Người dân Thành Long hy vọng công trình hoàn thành sẽ giúp địa phương khởi sắc.

 

Cây trồng trên đất Thành Long cho hiệu quả cao.

 

Chiếc phà cặp bến, một con đường bê-tông uốn lượn theo những bờ dừa dẫn đến trục lộ xương sống của ấp Thành Long. Các phòng học của khung trường tiểu học đều có giáo viên đứng lớp giảng bài, học sinh ngồi chăm chú tiếp thu bài học. Người dân đang lao động sản xuất trên mảnh vườn của mình... Đó là bức tranh sinh động của Thành Long hôm nay. Nông dân Nguyễn Văn Anh bộc bạch: Hiện đang bước vào thời điểm cây táo cho trái trĩu cành, sẽ thu hoạch trúng mùa. Ông Anh sở hữu 6,2 công đất, trong đó có 4 công trồng 200 cây táo hồng, phần còn lại trồng dừa và bưởi. Năm 2011, táo thất mùa nhưng cao điểm bán được giá 15.000 đồng/kg, thu lãi hơn 20 triệu đồng. Năm nay, nếu táo có giá từ 8.000 đồng trở lên thì gia đình ông sẽ thu lợi trên 40 triệu đồng. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cây trồng, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện. Gia đình ông đã xây dựng được căn nhà tường kiên cố. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi thêm được 4 con bò, trong đó có 3 con bò thịt và 1 con bò nái.

Ông Ngô Văn Ngọt, đã hàng chục năm sống ở đất cồn Thành Long nhớ lại. Trước đây, vùng đất này trũng thấp, mỗi khi triều cường kết hợp với nước thượng nguồn đổ về, nhà ở luôn bị ngập nước. Người dân chỉ độc canh cây lúa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cái ăn, cái mặc chưa đủ, nên ít người quan tâm đến việc học hành của con em. Đến năm 2000, tỉnh triển khai đê bao cồn Thành Long giai đoạn I. Và năm 2005, hệ thống đê bao được khép kín. Hàng năm, mỗi khi nước mặn xâm nhập, các cống đều được đóng lại để trữ nước ngọt. Từ làm lúa 1 - 2 vụ/năm, các hộ dân chuyển sang trồng dừa và các loại cây ăn trái như táo, bưởi da xanh…, kết hợp với trồng cỏ nuôi bò. Cây trồng sinh trưởng, phát triển xanh tươi, tiềm năng của vùng đất đã được đánh thức. Nhiều hộ dân từ các nơi đến đây lập nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Võ Văn Hưng - Trưởng ấp Thành Long cho biết, Thành Long có diện tích tự nhiên 305ha. Khi đê bao khép kín, người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chủ lực vẫn là cây dừa, cây táo và cây bưởi da xanh. Nhiều hộ dân đã trồng cỏ xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái để nuôi bò, quy mô đàn bò lúc cao điểm lên đến 1.000 con. Đối với người dân Thành Long, điện cứ tưởng chừng như chỉ có trong mơ ước. Nhưng năm 2009, đường điện trung thế đã vượt sông và những ngày cận Tết năm 2010, 120 hộ dân, mỗi hộ đóng góp 2,7 triệu đồng chi phí cho đường dây hạ thế, đã có điện cho sinh hoạt gia đình. Tết Nguyên đán năm 2011, Nhà nước đầu tư kéo đường dây hạ thế và thêm 150 hộ có điện thắp sáng. Ông Tạ Văn Măng, một người dân địa phương nói: Nghe thông tin sắp có điện về đến nhà, nhiều hộ đã mua sắm tivi, tủ lạnh. Và hiện hầu hết các hộ có điện đều mua phương tiện nghe, nhìn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần. Khi có điện, nhiều hộ đã đầu tư mua thêm máy móc, phát triển kinh tế gia đình, mua máy xe chỉ xơ dừa thay cho việc xe chỉ bằng sức người. Vợ chồng ông Măng, ban ngày, chăm sóc cây trồng, cắt cỏ nuôi bò nhưng tối đến tranh thủ vài tiếng đồng hồ để mua chỉ rối về xe. Khoảng 4 - 5 buổi tối, vợ chồng ông Măng lại thu nhập thêm 150.000 đồng từ việc quay chỉ rối... Nhiều hộ gia đình ở Thành Long đều làm thêm nghề xe chỉ xơ dừa, để có thêm thu nhập. Hiện nhiều hộ còn nghĩ đến việc đầu tư đường ống nước và sử dụng điện tưới nước cho cây trồng. Ông Măng thẳng thắn: Sống ở đất cồn, nếu chịu khó, siêng năng lao động thì cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện và sẽ đẩy lùi đói nghèo.

Nằm trong Dự án cầu Cổ Chiên, có cầu Tân Điền nối liền ấp Tân Phong (đất liền) và Thành Long, cầu Cổ Chiên nối liền Thành Long với Trà Vinh. Hiểu được ý nghĩa thiết thực của dự án, các hộ dân có phần đất công trình đi qua đều đồng ý phương án bồi thường và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Huyện Mỏ Cày Nam đang triển khai Dự án đón đầu, đầu tư một phần kinh phí cho hộ dân mua dừa giống xiêm xanh, bưởi da xanh để phát triển du lịch sinh thái. Từ khi đê bao khép kín, điện kéo về và Dự án cầu Cổ Chiên được khởi công đã nâng giá đất ở cồn Thành Long lên cao...

Ông Võ Văn Hưng - Trưởng ấp cho biết thêm, ấp Thành Long có 453 hộ, với 1.070 nhân khẩu. Hiện còn 85 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với cuối năm 2011. Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thời gian nhàn rỗi giảm dần, một số lao động đến khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh làm việc để góp phần xóa nghèo bền vững. Một số hộ dân chưa có điện đang mong muốn ngành hữu quan xem xét hỗ trợ kéo đường dây hạ thế để phục vụ cho việc thắp sáng, sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Cái khó nữa là trục lộ chính của ấp dài 5.550m, trong đó còn khoảng 1.500m chưa được bê-tông hóa. Năm 2010, từ nguồn vốn của IFAD hỗ trợ, ấp bê-tông hóa hơn 1.300m và xây dựng 1 cây cầu bê-tông nhưng đơn vị thi công chưa hoàn thành, do thiếu tiền công thuê lao động, vật tư tại địa phương (hơn 30 triệu đồng) nên bỏ trốn. Công trình thi công bị dở dang, gây bức xúc trong nhân dân.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN