Chiến sĩ tình nguyện lớp B2 Kỹ thuật hình sự D26S, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh gia cố tuyến đê bao ở Ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông.
Tư vấn, khám sức khỏe
Là sinh viên năm nhất nên đây là mùa hè đầu tiên đội trưởng Võ Quốc Lộc - phụ trách triển khai chương trình tình nguyện Hành trình y dược của Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Trước khi được Tỉnh Đoàn giới thiệu về xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, các em cũng chưa hình dung được những khó khăn của bà con ở vùng đất bãi ngang ven biển này. “Tiền trạm về đến địa bàn, nhìn thấy đời sống của người dân thì nhóm tiền trạm chúng em biết mình chắc chắn phải về đây để làm gì đó giúp cho bà con” - Lộc kể.
Là xã nghèo của huyện Bình Đại, Thừa Đức có 2.666 hộ dân với 8.563 nhân khẩu. Trong đó, có 414 hộ nghèo, tỷ lệ 15,53%. Người dân ở đây sống bằng nghề nuôi thủy sản, trồng một số loại hoa màu như sắn, củ cải trắng, đậu phộng, dưa hấu, một số hộ có ghe đi đánh bắt gần bờ, những hộ không có đất canh tác thì chăn nuôi bò, nuôi dê…
Hành trình y dược về Thừa Đức đóng quân 3 ngày, 70 sinh viên từ năm nhất đến cả những bạn vừa tốt nghiệp cử nhân tổ chức khám tầm soát sức khỏe cho các ông bà lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài lấy thông tin về chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, đội còn đo huyết áp, trích máu để tầm soát đường huyết, kiểm tra cơ, xương khớp, hỏi thăm thói quen ăn uống, sinh hoạt của bà con thường ngày để tư vấn phòng tránh các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp, thiếu máu. Một nhóm sẽ chia nhau đến các ấp để tẩm thuốc ngừa muỗi lên các mùng cho các gia đình. Ngoài ra, các bạn còn cùng thanh niên địa phương và bà con chung tay làm nhiều việc khác như phát quang, vệ sinh đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ, đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Hay tin có đoàn sinh viên tình nguyện về tổ chức khám tầm soát, bà Nguyễn Thị Lớn ở ấp Thừa Thạnh phấn khởi lắm. Ngay từ sáng sớm, bà tranh thủ đạp xe đạp đến điểm trường để được khám. “Tôi đến đo huyết áp, thử đường huyết xem sức khỏe mình thế nào. Có đoàn đến chăm lo sức khỏe cho bà con mình như vầy là quý lắm”, bà Lớn nói.
Bước ra ngoài uống ly nước sau đợt tư vấn liên tục cho hơn 20 cô bác, bạn Trương Minh Thư, sinh viên năm 4, Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học vừa nói: “Thấy bà con đến sớm để khám và chăm chú nghe mình tư vấn, em nhận ra họ thật sự cần mình nhiều lắm. Không chỉ giúp đỡ được cho mọi người mà chúng em cũng rút ra được nhiều điều ý nghĩa, biết cách ứng xử, giao tiếp, tạo thiện cảm với bệnh nhân và cũng là dịp để chúng em hiểu hơn về nghề nghiệp của mình”.
Cùng tham gia lực lượng đối ứng trong buổi sáng ngày hôm ấy, chị Bùi Thị Kim Trí - Bí thư Xã đoàn Thừa Đức nhận xét: “Dù chỉ là khám tầm soát bệnh và tư vấn sức khỏe nhưng cũng mang ý nghĩa lớn đối với người dân. Đến khám bệnh là các ông bà lớn tuổi, chân mòn gối mỏi, họ cần nhiều sự quan tâm, ân cần, những lời tư vấn sức khỏe hữu ích. Các bạn sinh viên của Hành trình y dược đã làm được điều đó”.
“Chúng em muốn giúp cho địa phương nhiều nhất có thể, không chỉ là trong chiến dịch này mà sẽ gắn kết giữa khoa, trường em với địa phương để sắp tới sẽ có nhiều hoạt động tình nguyện hơn nữa tại xã”, đội trưởng Võ Quốc Lộc mong muốn.
Đến với vùng sâu, vùng xa
Tại một mặt trận xã bãi ngang khác, màu áo xanh tình nguyện đang làm rộn rã những nẻo đường quê. Xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm có 8 ấp, trong đó có 2 ấp cồn, chia cách bởi sông Hàm Luông. Người dân địa phương sinh sống chủ yếu từ vườn dừa, một số hộ nuôi tôm nhưng còn nhiều bấp bênh, đa số thanh niên địa phương đi lao động xa.
Con đường đê bao nhỏ hẹp nằm sâu trong địa bàn ấp 1A của xã Thạnh Phú Đông thường hay ngập nước vào những ngày triều cường đang được đội 37 chiến sĩ lớp B2 Kỹ thuật hình sự D26S, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra quân gia cố. Mùa hè này, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh có trên 300 chiến sĩ đóng quân trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Trong thời gian này, lực lượng sẽ cùng nhân dân thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn, tập trung cho công tác tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Anh Lê Minh Thuận - lớp trưởng lớp B2 Kỹ thuật hình sự cho biết: “Thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân) trong chiến dịch này giúp chúng tôi nhìn thấy và hiểu được những khó khăn của bà con, điều này đối với chúng tôi là một trong những bài học quý giá để trở thành những chiến sĩ cảnh sát nhân dân sau này”.
“Công việc ở địa phương, lao động nặng tuy có vất vả nhưng đáp lại, nhận được sự yêu thương, quan tâm của bà con nhân dân, đối với chúng tôi là nguồn động viên rất lớn”, anh Thuận nói.
Bí thư Xã đoàn Thạnh Phú Đông Nguyễn Minh Trung tâm đắc: “Địa phương còn nghèo, lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa nên sự hiện diện của đội hình các chiến sĩ trẻ đến đây, giúp sức vào các phần việc xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương”.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên đã đến với những vùng sâu, vùng xa của quê hương, đất nước để tiếp sức, vun đắp. “Đâu cần thanh niên có/ Việc gì khó có thanh niên”, các chiến sĩ trẻ đã làm cho mùa hè ở những vùng đất bãi ngang càng ý nghĩa hơn, thắm tươi hơn với màu áo xanh tình nguyện.
Bài, ảnh: Thanh Đồng