Hành trình hướng Đông, bài 3:

Thạnh Phú chuyển hướng nhìn về phía Đông

23/04/2021 - 06:31

BDK - Chủ trương phát triển về hướng Đông như đem lại luồng gió mới cho Thạnh Phú. Con người nơi đây đang ứng biến, vận dụng sáng tạo những khó khăn, thách thức hiện hữu thành thuận lợi, cơ hội cho phát triển.

Thạnh Phú đang mời gọi thu hút đầu tư du lịch khai thác các tuyến đường sông trên địa bàn huyện.

Thạnh Phú đang mời gọi thu hút đầu tư du lịch khai thác các tuyến đường sông trên địa bàn huyện.

Trăn trở, đổi mới tư duy phát triển

Tuyến phà An Đức - Mỹ An đưa khách qua sông Hàm Luông để rời Ba Tri đến Thạnh Phú. Dập dềnh trên sóng nước mất hơn nửa giờ, chúng tôi có dịp quan sát và cảm nhận sâu sắc hơn về nhịp sống còn khá trầm lắng, chậm rãi của người dân hai bên bờ. Đến nay, hai xã này vẫn còn là xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong nhóm cao nhất tỉnh. Cụ thể, An Đức (Ba Tri) 19%, tương đương trên 400 hộ và Mỹ An (Thạnh Phú) trên 14%, tương đương trên 360 hộ nghèo và cận nghèo. 

Kết quả đánh giá hàng năm, tình hình kinh tế của hai xã này có bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm đáng kể nhưng so với bình diện chung của tỉnh thì đến nay vẫn chưa có yếu tố bền vững và đột phá. Còn trong câu chuyện chung của tỉnh, Bến Tre đang dần tụt hậu về phía sau, với thu nhập bình quân đầu người xếp vị trí cuối của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về câu chuyện đổi mới tư duy để thoát nghèo, làm giàu, phát triển quê hương của Thạnh Phú, trường hợp của anh Đặng Văn Bảy (còn được gọi là Bảy An) là một điển hình. Từ một nông dân nghèo tập tành nuôi tôm và không ít lần thất bại. Đến nay, anh là một nông dân thành công điển hình của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long về nuôi tôm công nghệ cao (CNC). Thu nhập bình quân hàng chục tỷ đồng/năm.

Cách đây 10 năm, Bảy An là một trong những người đầu tiên của tỉnh đi Bạc Liêu học cách nuôi tôm CNC. Khi về áp dụng, nhiều nông dân Thạnh Phú đều lắc đầu nghĩ anh không thể làm được. “Tôi nuôi tôm thẻ đạt 50 - 60 con/kg thì san ra ao khác, nuôi tiếp giai đoạn mới, ai cũng nói tôi bị “khùng” vì không ai nuôi tôm lại đi kéo tôm, chài tôm, san tôm. Không ai tin vào mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn. Nhưng kể từ năm 2018 đến nay, mô hình nuôi tôm CNC ngày càng chứng minh tính hiệu quả và lan tỏa rộng trong người dân huyện Thạnh Phú”, Bảy An kể.

 Bảy An là người đang giữ kỷ lục cao nhất cả nước về nuôi tôm kích cỡ lớn thu hoạch 14,6 con/kg. Hiện, anh có 6 trang trại nuôi CNC, với diện tích khoảng 21ha. Tổng sản lượng tôm năm 2020 của trang trại Bảy An khoảng 400 tấn, lợi nhuận dao động từ 30 - 40 tỷ đồng.

Trong lần về Thạnh Phú mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phấn khởi nói: “Khát vọng Bến Tre có được các khu nuôi tôm CNC đã hình thành trong tôi cách đây 10 năm. Đó là lần tôi trông thấy người ta nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Nay Bến Tre đã đủ điều kiện để phát triển mô hình nuôi tôm CNC, có nhà đầu tư, có CNC”.

Nuôi tôm là một trong những nội dung đề ra trong Nghị quyết về hướng Đông, giai đoạn 2021 - 2025, 3 huyện biển phát triển 4.000ha và đến năm 2030 là 5.000ha. Trong đó, Thạnh Phú phát triển 2.000ha đến năm 2025. Hiện toàn huyện có diện tích trên 18.000ha nuôi tôm biển. Huyện đang phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam triển khai mô hình mẫu với 100ha nuôi tôm biển CNC và 20ha nuôi tôm giống tôm càng xanh CNC. Đơn vị hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào nuôi tôm là Tập đoàn Mỹ Lan. Nếu thành công, đây là mô hình nuôi tôm CNC bậc nhất tại Việt Nam.

Đa dạng hóa hình thức phát triển

Cùng với khai thác lợi thế về nuôi tôm CNC, việc phát huy tối đa tiềm năng, đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế biển, nhằm giúp mảnh đất anh hùng năm xưa ngày càng tỏa sáng như một “điểm vàng” của tỉnh là cách mà Thạnh Phú đang tập trung thực hiện.

Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân khẳng định: Huyện hội tụ nhiều lợi thế cho phát triển nền kinh tế đa dạng, với đủ các yếu tố biển, rừng, sông rạch, dải cát giồng bồi tụ… Trên cơ sở đó, Thạnh Phú xác định trụ cột chính để tạo động lực cho phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2030 là du lịch, công nghiệp năng lượng sạch và nông nghiệp sạch.

Thạnh Phú đang có các vùng nguyên liệu tập trung, gồm: lúa sạch theo mô hình lúa - tôm 6.000ha, tập trung tại An Qui, An Nhơn, An Điền, Mỹ An. Vùng xoài tứ quý trên 300ha tại Thạnh Phong, Thạnh Hải, với 700 nông hộ tham gia trồng, năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Đây là những mô hình kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu khá hiệu quả. Cây dừa 7.000ha, trên 700 triệu trái/năm, tập trung tại Thới Thạnh, Tân Phong, Hòa Lợi. Hiện huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp chế biến dừa tại tỉnh xây dựng vùng trồng dừa theo hướng hữu cơ.

Hiện huyện Thạnh Phú đã được công nhận là trung tâm du lịch của tỉnh, trong đó huyện chọn biển Cồn Bửng là trung tâm. Hàng năm, huyện đón nhận trên 500 ngàn lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Thạnh Phú được biết đến là vùng đất anh hùng, là nơi xuất phát của chuyến vượt biển đầu tiên (năm 1946) của đoàn đại biểu Bến Tre ra miền Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng, do cô Ba Định chỉ huy. Chuyến vượt biển này có ý nghĩa mở đường chi viện của Trung ương cho miền Nam.

Toàn huyện hiện có 7 dự án điện gió đã được phê duyệt, trong đó 3 dự án đang triển khai (Dự án điện gió nhà máy số 5 Tân Hoàn Cầu, Dự án điện gió Nexif Energy và Dự án điện gió Thanh Phong). Dự kiến đến năm 2021, sẽ vận hành và đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia, với công suất 90MW/năm. Ngoài ra, tỉnh đã cho chủ trương đầu tư trung tâm sản xuất nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) Bến Tre tại khu vực K22, xã An Nhơn. Đối với các dự án điện năng lượng mặt trời, đã có nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư và chờ xin ý kiến Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.

“Hướng tới, huyện tiếp tục phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch và trung tâm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Trong đó, xác định nông nghiệp hữu cơ làm nền tảng để phát triển du lịch, ngược lại du lịch là động lực để phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, phát triển công nghiệp năng lượng sạch (điện gió, điện khí, điện mặt trời) là khâu đột phá”, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tân cho hay.

Với tư duy hướng Đông, nếu Bình Đại là “cửa ngõ” của trục động lực tăng trưởng hướng Đông, Ba Tri là khu trung tâm thì Thạnh Phú là “nhịp dẫn” quan trọng kết nối tuyến đường ven biển Bến Tre với Trà Vinh, mở ra cơ hội hợp tác phát triển liên vùng các tỉnh duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long.

Thạch Thảo - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN