Hành trình hướng Đông, bài 1:

Bình Đại - cửa ngõ trục động lực tăng trưởng

19/04/2021 - 07:04

BDK - Bến Tre là tỉnh cù lao, giáp biển. Gần đây, sạt lở và xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Để kết nối 3 huyện biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại trong câu chuyện hướng Đông, tỉnh đã xây dựng phương án thực hiện tuyến giao thông động lực ven biển kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh. Đây là trục động lực mới của tỉnh và huyện Bình Đại là cửa ngõ đón đầu.

Tuyến giao thông kết hợp ngăn mặn giữa 3 huyện biển (đoạn qua địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) đã thông tuyến giai đoạn 1, với chiều dài 12,6km vào đầu năm 2021.  Ảnh: T. Thảo

Tuyến giao thông kết hợp ngăn mặn giữa 3 huyện biển (đoạn qua địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) đã thông tuyến giai đoạn 1, với chiều dài 12,6km vào đầu năm 2021.  Ảnh: T. Thảo

Vị trí cửa ngõ đón đầu

Điểm đến đầu tiên trong hành trình hướng Đông là huyện Bình Đại. Theo Nghị quyết số 04/NQ-TU phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, Bình Đại là cửa ngõ của tuyến giao thông động lực ven biển, kết nối với tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh.

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, hình thành trục động lực tăng trưởng phía Đông trên cơ sở xây dựng tuyến giao thông liên vùng nối với TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, trụ cột của các trụ cột là hình thành trục động lực tăng trưởng. Với tính kết nối liên vùng thì trục động lực phía Đông không chỉ hướng đến phát triển bền vững và làm giàu từ biển cho một huyện, một tỉnh mà còn hướng đến khu vực duyên hải phía Đông của cả đồng bằng sông Cửu Long.

Người xưa có câu “Lộ thông, tài thông”, giao thông tốt sẽ dẫn dắt kinh tế phát triển nhanh. Với vị trí cửa ngõ, tiềm năng thu hút đầu tư của Bình Đại là rất lớn. 9 năm nay, đường về huyện Bình Đại thênh thang, thông thoáng hơn kể từ ngày huyện thay thế 10 cầu sắt cũ kỹ, nhỏ hẹp, tải trọng thấp thành cầu bê-tông vĩnh cửu, bề rộng toàn mặt cầu là 10m.

Năm 2012, khi Bình Đại đang xây dựng 10 cầu bê-tông thay cầu sắt thì cũng là lúc Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát quyết định chọn huyện để đặt trụ sở xây dựng nhà máy chế biến nghêu xuất khẩu tại xã Châu Hưng. Sản phẩm chính của công ty là chế biến và xuất khẩu nghêu con hấp chín đông lạnh, nghêu thịt đông lạnh, nghêu lụa đông lạnh. Thị trường xuất khẩu gồm châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc. Hoạt động của Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát đã góp phần giải quyết việc làm cho 200 lao động tại huyện. Mỗi năm, doanh nghiệp đã thu mua và chế biến khoảng 4 ngàn tấn nghêu nguyên liệu, làm tăng giá trị mặt hàng nghêu tỉnh nhà lên gấp nhiều lần so với bán nguyên liệu thô.

Ông Võ Thành Hiệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hưng Trường Phát cho biết: “Chúng tôi chọn Bình Đại làm nơi xây dựng nhà xưởng quy mô để xuất khẩu nghêu vì huyện có vị trí đường giao thông gần các cảng biển nhất để đưa hàng đi xuất khẩu như gần cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hơn so với huyện Ba Tri, Thạnh Phú. Và vùng nguyên liệu nghêu ở Bình Đại có sản lượng nhiều và chất lượng tốt”.

 “Vốn trước đây hạ tầng giao thông ven biển rất nhiều khó khăn. Sự song hành của tuyến giao thông kết hợp ngăn mặn giữa 3 huyện biển và tuyến giao thông động lực ven biển kết nối Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh sẽ tạo động lực rất lớn phát triển thế mạnh kinh tế ven biển cho tỉnh trong thời gian tới”, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng phấn khởi cho hay.

Động lực tăng trưởng

Động lực tăng tưởng từ tuyến giao thông ven biển cần phải kết nối với giao thông nội bộ tỉnh và giao thông liên vùng. Hiện tỉnh đang lựa chọn phương án quy hoạch tuyến và phương án đầu tư, xúc tiến quá trình làm việc với các bộ chuyên ngành, sớm khởi công xây dựng tuyến giao thông động lực ven biển. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1 tuyến đường ven biển kết nối Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh, kết nối giao thông thông suốt từ TP. Bến Tre đến khu vực biển qua tuyến đường quốc lộ 57, 57B, 57C.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao bể tròn trên cạn đang phát triển mạnh tại Bình Đại. Ảnh: C.Trúc

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao bể tròn trên cạn đang phát triển mạnh tại Bình Đại. Ảnh: C.Trúc

Tỉnh có lợi thế sở hữu bờ biển dài 65km, kinh tế biển của tỉnh đã có bước phát triển tích cực. Với thế mạnh từ lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao, đạt 1.650ha. Năng lượng tái tạo thu hút nhiều nhà đầu tư với quy hoạch phát triển 1.008MW điện gió. Tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 26/20%. Trên cơ sở đó, huyện Bình Đại xác định nhiệm vụ đột phá trong 5 năm tới là đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản như nuôi tôm, khai thác, chế biến theo hướng tăng năng suất, chất lượng, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2025, huyện ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 18.000ha. Trong đó, nuôi tôm biển thâm canh 6.000ha (nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2.000ha). Sản lượng nuôi tôm biển đạt 45 ngàn tấn. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết tôm biển gắn với truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận theo yêu cầu của thị trường.

Song song đó, mục tiêu hoàn thành lấp đầy Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận nằm trên địa bàn xã Phú Thuận, huyện Bình Đại đang được tỉnh ráo riết thực hiện. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Phú Thuận có tổng diện tích 231,78ha, tổng mức đầu tư 2.023 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2017 - 2025. Hiện tỉnh đang phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ để đến cuối năm 2021 sẽ đưa KCN đi vào hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho hay: “Kế hoạch 5 năm tới, để tạo ra đột phá tăng trưởng, tỉnh tập trung vào mảng công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, hướng phát triển mới và mạnh mẽ là hướng Đông, hình thành khu kinh tế mới tại Bến Tre. Đối với KCN Phú Thuận, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, đặc biệt thu hút doanh nghiệp chế biến con tôm”.

Xây dựng tuyến giao thông động lực ven biển có thể ví như “xương sống” kết nối các huyện biển vào trục động lực tăng trưởng phía Đông. Từ đó, khơi dậy tiềm năng phát triển của 3 huyện biển để kết nối vào và “dệt” thành một bức tranh kinh tế mang hình hài mới mẻ, đầy sức sống cho tỉnh trong thời gian tới. Nắm bắt được cơ hội này sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, giúp huyện Bình Đại hoàn thành mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh vào năm 2025 và đến năm 2030 đưa Bình Đại phát triển trong nhóm đầu của tỉnh.

Chia sẻ về quy hoạch tuyến đường bộ ven biển và hành lang kinh tế ven biển, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Hiện nay tỉnh đang xin Trung ương cho chủ trương lập đề án phát triển khu kinh tế ven biển cho tỉnh dựa trên ba huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Theo đó, khu kinh tế ven biển là khu vực rất rộng bao gồm phần đất nội địa, ven biển và hướng ra biển. Nhiều dự án sẽ phát triển từ trục này, hoặc là hạ tầng này sẽ phục vụ nhiều dự án khác phát triển; trục giao thông này như một động lực dẫn dắt cho các dự án khác”.

Dự lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh của tỉnh Bến Tre, tại huyện Bình Đại, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, nếu được đầu tư sớm, tuyến đường hành lang ven biển phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Qua đó, giúp các tỉnh trong vùng, trong đó có Bến Tre khai thác tốt nhất tiềm năng phát triển kinh tế biển; thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế biển, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với những nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Cẩm Trúc - Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích