Thạnh Phú sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ của Dự án AMD

14/06/2019 - 07:34

BDK - Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (AMD Bến Tre), do Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ, với mục tiêu là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện BĐKH. Dự án được triển khai trong thời gian 6 năm, tại 30 xã của 8 huyện trong tỉnh. Trong đó, huyện Thạnh Phú có 5 xã tham gia là An Điền, Hòa Lợi, Mỹ An, Thạnh Phong và Bình Thạnh.

Ký kết thỏa thuận trao kinh phí cho Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy. Ảnh: Thu Huyền

Ký kết thỏa thuận trao kinh phí cho Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy. Ảnh: Thu Huyền

Dự án có 3 hợp phần chính là nâng cao nhận thức về BĐKH, đầu tư cho sinh kế bền vững và quản lý dự án. Hợp phần 2 về đầu tư cho sinh kế bền vững có các nguồn quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng; quỹ hợp tác công tư; quỹ đồng tài trợ.

Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn (CIF) đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã dự án, nhằm hạn chế những tác động của BĐKH, tạo điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn. Đã đầu tư 9 công trình đường bê-tông kết hợp đê bao chống xâm nhập mặn và triều cường; 5 dự án cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho 728 hộ nghèo. Tổng kinh phí thực hiện 18,59 tỷ đồng, trong đó Dự án AMD Bến Tre tài trợ 15,9 tỷ đồng, người dân đóng góp 2,6 tỷ đồng. Có 2.453 người hưởng lợi, trong đó có 1.530 người nghèo, cận nghèo, chiếm 62,37%, phụ nữ 1.384 người, chiếm 56,42%. Qua đầu tư của quỹ, vai trò của cộng đồng hưởng lợi được nâng cao thông qua giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện quản lý, khai thác và bảo trì công trình tốt hơn. Tỷ lệ hoàn vốn kinh tế cao, trên 30%. Chi phí đầu tư vào sản xuất giảm từ 2 - 3%. Qua đó góp phần phát triển hạ tầng nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm thiểu rủi ro do tác động của BĐKH, hỗ trợ cho các chuỗi sản xuất tại địa phương. Có 1.500 hộ có điều kiện tưới tiêu, ngăn mặn, tăng năng suất và sản lượng sản phẩm nông nghiệp. Đã có 728 hộ dân có bồn chứa nước sinh hoạt, tác động tốt môi trường, phòng ngừa và hạn chế tình trạng sạt lở, nước dâng, xâm nhập mặn.

Đối với Quỹ hợp tác công tư - PPP, đến nay dự án đã đầu tư cho Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong vào tiểu dự án “Liên kết sản xuất và chế biến các sản phẩm xoài tứ quý Thạnh Phú”, với kinh phí hơn 3,085 tỷ đồng; trong đó, vốn AMD tài trợ 1,335 tỷ đồng, vốn đối ứng HTX hơn 1,75 tỷ đồng. Qua đó, tạo việc làm cho 23 người làm việc tại HTX, liên kết thu mua, bao tiêu xoài cho hơn 100 hộ tại Thạnh Phong và các xã lân cận cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%, lợi nhuận ổn định 90,5 triệu đồng/ha/năm. Lao động làm việc tại HTX, ngoài được đào tạo nghề, ký hợp đồng lao động, cho thu nhập khoảng 48 triệu đồng/người/năm.

Dự án AMD Bến Tre vừa trao bảng tượng trưng tài trợ cho Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy số tiền hơn 1,4 tỷ đồng và 3 tiểu dự án khác tại các xã Mỹ An, Hòa Lợi và An Điền, kinh phí từ 236 - 296 triệu đồng.

Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế huyện cung cấp dịch vụ tiết kiệm - tín dụng chất lượng, bền vững và các dịch vụ phi tài chính cho nhóm đối tượng nghèo và thu nhập thấp đã triển khai thực hiện tại 16 xã, thị trấn. Trong đó, 5 xã dự án đã có hơn 2.200 khách hàng, với hơn 6.600 lượt vay, tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng, dư nợ hơn 12 tỷ đồng. Huy động tiết kiệm lũy kế gần 4 tỷ đồng, số dư gần 3 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiếp cận vốn lâu dài, bền vững đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Quỹ đồng cấp vốn cho mô hình sản xuất thích ứng BĐKH (CFAF), đến cuối năm 2018, đã đầu tư cho 57 tiểu dự án; 42 hộ, 56 tổ - nhóm. Có 563 người hưởng lợi, hộ có nữ tham gia là 418 hộ, số hộ đã thoát nghèo 127 hộ. Tổng vốn hơn 8,804 tỷ đồng. Loại hình đầu tư là nuôi dê, bò sinh sản; nuôi tôm càng xanh toàn đực xen ruộng lúa; may quần áo gia công, đan dây nhựa trên khung sắt... Các mô hình này đã giúp cho người dân có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng đa dạng sinh kế, giảm rủi ro do tác động của BĐKH, thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Ông Đào Công Thương - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng nhóm Điều phối Dự án AMD huyện Thạnh Phú khẳng định: Sự tài trợ của dự án đã phát huy hiệu quả. Thạnh Phú còn nhiều tiềm năng và thế mạnh để người dân tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất. Các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, ấp, cộng đồng, doanh nghiệp, HTX, người hưởng lợi cần hiểu rõ hơn về Dự án AMD. Qua đó, cùng chung tay góp sức hoàn thành các mục tiêu của dự án trong thời gian còn lại.

Tiến Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN