Tháo gỡ khó khăn cho ngành thạch dừa Bến Tre

13/06/2012 - 07:49

Từ giữa tháng 5-2012, dư luận xã hội và người tiêu dùng rất quan tâm tới bài báo phản ánh với nội dung: “Hé lộ công nghệ làm thạch dừa bẩn”. Nội dung thông tin trên có sức lan tỏa rất nhanh và có tác động lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thạch dừa trong tỉnh Bến Tre.

Để có cái nhìn khách quan và trách nhiệm đối với số phận của hàng ngàn người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất thạch dừa ở Bến Tre, Hiệp hội Dừa xin phép trao đổi ý kiến để tham khảo, với mong mỏi góp phần tháo gỡ những khó khăn của ngành thạch dừa hiện nay trên lĩnh vực truyền thông.

Ngành thạch dừa Bến Tre hình thành và phát triển khoảng 20 năm nay, với biết bao nhọc nhằn, thăng trầm, trì trệ. Toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở sản xuất thạch dừa, đa số qui mô nhỏ, gắn với kinh tế hộ gia đình, giải quyết hàng ngàn việc làm cho người nghèo. Ngành hàng thạch dừa cũng còn non yếu so với các ngành hàng khác trong ngành dừa nói chung như: kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, than gáo dừa, chỉ xơ dừa… Đa số chủ cơ sở là người lao động nghèo và tính toán của họ là đầu tư cho sản xuất để lấy công làm lời. Với mức đầu tư cho cơ sở sản xuất thạch thô khá khiêm tốn (khoảng 100 triệu đồng/cơ sở), nhưng nhiều chủ cơ sở phải bán đất đai, vay mượn để đầu tư sản xuất. Nhiều người đã nghèo lại lâm vào cảnh nợ nần do sản xuất thường xuyên không ổn định, vốn bị chiếm dụng qua hình thức “gối đầu”.

Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thạch dừa là nước dừa. Trước đây, khi chưa có những dòng sản phẩm từ thạch dừa, nước dừa chỉ dùng để nấu nước màu hoặc đổ xả ra môi trường, gây ô nhiễm rất nặng. Chính ngành sản xuất thạch dừa đã tận dụng nguồn phụ phẩm này để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nghèo. Công sức của ngành thạch dừa về mặt xã hội và môi trường là đáng ghi nhận. Trong đó, nhiều doanh nghiệp rất tâm huyết bỏ công sức, tiền của, thời gian để nghiên cứu, thực nghiệm và cho ra những sản phẩm thạch tinh chất với chủng loại đa dạng, phong phú, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, được ngành chức năng kiểm định tiêu chuẩn chất lượng định kỳ. Ngành thạch dừa Bến Tre cũng tạo lập được những thương hiệu lớn như: Cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) Thạch dừa Minh Châu, Cơ sở SXKD Thạch dừa Minh Tâm, Cơ sở SXKD Thạch dừa Huy Phong, hợp tác xã Cửu Long… tồn tại hàng chục năm qua. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thạch dừa cũng từng bước mở rộng, kể cả thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Để thâm nhập được vào các thị trường này, các cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết về tiêu chuẩn chất lượng.

Nhưng cũng chính một số cơ sở sản xuất chủ yếu là dạng thạch thô, vì nhiều lý do, đã không quan tâm đầy đủ đến việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tạo hình ảnh không tốt cho cả ngành thạch dừa và gây hoài nghi cho người tiêu dùng như báo chí phản ánh.

Để khắc phục khó khăn này và tạo chuyển biến mới trong thời gian tới của ngành sản xuất thạch dừa Bến Tre, Hiệp hội Dừa xin đề xuất đến các cơ quan chức năng một số giải pháp như sau:

1. Cần phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các chủ cơ sở thạch dừa để họ nắm vững về qui trình sản xuất chế biến, công thức pha chế. Tư vấn cho các cơ sở về điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến cáo các cơ sở về danh mục các chất phụ gia được phép và không được phép sử dụng.

2. Vận động các cơ sở sản xuất thạch dừa nâng cao ý thức trách nhiệm, hưởng ứng việc sản xuất sạch, an toàn; đồng thời, thường xuyên hợp tác tốt với các cơ quan quản lý để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, đưa sản xuất đi vào nền nếp.

3. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan báo đài tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến để người dân hiểu rõ những giá trị dinh dưỡng của nước dừa, thạch dừa, những vấn đề đã được kiểm chứng đầy đủ về khoa học để người tiêu dùng an tâm.

4. Các nhà chuyên môn, nhà sản xuất tiếp tục đầu tư nghiên cứu để tìm ra những dòng sản phẩm mới từ nước dừa, như: nước dừa đóng lon, nước dừa cô đặc, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ, “Cứu nước dừa cũng là góp phần cứu trái dừa Bến Tre”.

5. Thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ với khối lượng rất lớn thạch thô trong nhiều năm qua và cũng là thị trường rất tiềm năng. Trong đó, vai trò của khách hàng Trung Quốc là cầu nối rất quan trọng, vì họ có thể quyết định cả về số lượng, chất lượng, giá cả. Do vậy, cần kêu gọi họ hợp tác “bắt tay” với các cơ quan quản lý của địa phương để giám sát xuất xứ hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng thạch thô, từ chối thu nhận hàng đối với cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Từ thực trạng và một số ý kiến đề xuất, mong rằng các ngành chức năng của tỉnh sớm vào cuộc để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thạch dừa, nhằm ổn định sản xuất và phát triển; tạo việc làm cho người lao động và góp phần ổn định giá dừa nguyên liệu trong thời gian tới, ổn định thu nhập của người trồng dừa, giúp nông dân tiếp tục đầu tư phát triển vườn dừa, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cho người nông dân và toàn xã hội.

Nguyễn Văn Đắc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN