Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra

09/08/2012 - 17:15
Một điểm nuôi cá tra ở xã Sơn Phú (Giồng Trôm).

Bến Tre tuy chưa phải là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn so với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nhưng thời gian qua cũng phát triển khá rầm rộ. Tổng diện tích nuôi khoảng gần 1.000ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách. Phần lớn diện tích thả nuôi đều tập trung ở các vùng đất cồn bãi ven sông.

Trong nhiều năm trước đây đã có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi cá tra do lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy nhiên, gần đây giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao, giá cá tra sụt giảm liên tục, khiến việc nuôi không có lời hoặc thua lỗ nặng nên phần lớn người nuôi nhường diện tích đất canh tác lại cho các doanh nghiệp tiếp tục nuôi (vì nuôi cá tra chi phí đầu tư rất lớn, người dân không đủ sức theo). Hiện nay, tình hình nuôi khá ổn định, phần lớn đều tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có nhà máy chế biến xuất khẩu. Qui trình nuôi được áp dụng bài bản hơn, tuân thủ nghiêm ngặt theo qui định, nhất là việc chọn lựa thức ăn, con giống, hóa chất phòng trị bệnh, bảo vệ môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở nuôi đều áp dụng GlobalGAP (nuôi tốt). Hiện nay, 13 khu đã được chứng nhận GlobalGAP với tổng diện tích nuôi 173ha, trong đó có 2 khu sản xuất giống cá tra và 11 khu nuôi cá tra thâm canh của 9 công ty trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tình trạng mất cân đối giữa sản xuất cá tra nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ vẫn chưa có lối ra và ngày càng trầm trọng hơn. Tính từ đầu năm đến nay, giá thức ăn tăng gấp 2 lần, mỗi lần tăng khoảng 250 – 300 đồng/kg. Giá bán cá tra nguyên liệu sụt giảm thảm hại, từ 25.500 đồng đến 26.000 đồng/kg (vào đầu năm 2012) chỉ còn khoảng 18.000 đồng đến 19.000 đồng/kg (hiện nay), trong khi giá thành mỗi ký cá nguyên liệu là 23.500 đồng/kg. Hiện nay, đa số cơ sở nuôi từ huề vốn đến lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn tăng cao nhưng chất lượng bị buông lỏng, không kiểm soát được, qui chuẩn qui định chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn cho cá tra chưa có. Doanh nghiệp liên tục hạ giá xuất khẩu nhưng thị trường đầu ra vẫn bị co hẹp lại; chưa có thông tin chính xác từ phía thị trường để xác định nguyên nhân vì sao doanh nghiệp phải hạ giá bán và kéo theo hạ giá nguyên liệu đầu vào. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều bất cập như: việc khảo nghiệm các loại thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường và cấp giấy phép lưu hành còn mang tính hình thức. Các cơ sở giống cá tra mọc lên tùy tiện không thể kiểm tra, kiểm soát; cho cá đẻ non, ép đẻ nhiều lần dẫn tới tỷ lệ hao hụt tăng từ 25-30% năm 2010 lên 35-40% năm 2012. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không đủ điều kiện vẫn tùy tiện hoạt động bằng nguồn hàng trôi nổi không đảm bảo chất lượng. Chi phí giá thành của hộ nuôi, các cơ sở nuôi cao hơn doanh nghiệp tự nuôi rất nhiều. Hiện nay, người nuôi không thành lập doanh nghiệp chiếm trên 50% tổng số cơ sở nuôi. Do không có hệ thống tài chính hợp pháp nên không được hoàn thuế giá trị gia tăng thức ăn, thuốc thú y, nên đã gián tiếp tăng chi phí nuôi lên 5-7%. Trong khi đó, doanh nghiệp thu mua cá đều lấy mẫu tự đưa đi kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh hoặc tự kiểm tra tại nhà máy, thu mẫu để xác định tỷ lệ cá thịt vàng, tỷ lệ phi-lê. Khi nguồn nguyên liệu đang dư thừa thì doanh nghiệp thường cố tình kéo dài thời gian báo cáo kết quả để buộc người nuôi chịu thiệt.

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã phát hành gói hỗ trợ vốn 9.000 tỷ đồng để giải cứu cho nghề nuôi cá tra nhưng nhiều doanh nghiệp đã tự ý mua quá thấp dưới giá sàn đến 4.000-5.000 đồng/kg, làm ảnh hưởng chung đến sản xuất, xuất khẩu. UBND tỉnh đề nghị các địa phương thống kê các hộ nuôi có vay vốn ngân hàng, các hộ vay doanh nghiệp để có kế hoạch trực tiếp hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cho người nuôi và tiền thuế giá trị gia tăng mua thức ăn, con giống, thuốc thú y mà người nuôi được hoàn trả; tiến hành phân loại doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu để có biện pháp can thiệp ngay đối với các doanh nghiệp bán phá giá; chấn chỉnh giấy phép lưu hành và kiểm tra thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường; rà soát danh mục thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN