Sử dụng túi đựng hàng ngày bằng giấy tái chế để hạn chế túi nylon.
Hạn chế sử dụng túi nilon
Không đợi có những phong trào hay hoạt động rầm rộ được phát động, nhiều gia đình, cửa hiệu trên địa bàn TP. Bến Tre đã có những hành động thay đổi thói quen sống để bảo vệ môi trường.
Kinh doanh các mặt hàng phụ kiện, cột tóc, văn phòng phẩm cho thanh thiếu niên, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre hàng ngày phải sử dụng rất nhiều túi nylon để đựng hàng cho khách. Nhận thấy việc sử dụng quá nhiều túi nylon rất có hại vì không phải ai cũng giữ lại các túi đó để tái sử dụng, chị Nhung đã chọn cách thay thế túi nylon bằng túi giấy. Đặc biệt đây là loại giấy kraft nâu không tẩy trắng, có giá rẻ, dễ phân hủy nên rất thân thiện với môi trường. “Mình mua giấy này rồi cắt ra, xếp thành túi nhiều kích cỡ để đựng những món đồ nhỏ cho khách. Tuy có hơi tốn công xếp túi nhưng nhìn chung chi phí cũng tương đương khi xài túi nylon. Gói đồ bằng túi giấy cũng xinh xắn, tạo được nét riêng cho shop mình, bớt được nylon phần nào thì tốt phần đó”, chị Nhung chia sẻ.
Tại cửa tiệm của chị Nhung, do đa số hàng hóa thường được bao gói bằng nylon nên khi tháo ra sẽ thải ra khá nhiều bao bì nhựa. Chị Nhung luôn cẩn thận phân loại rác, tách riêng rác nhựa có thể bán ve chai với các loại rác khác. Cửa tiệm cũng đang tổ chức thu gom pin cũ để đổi quà cho khách, góp phần hạn chế lượng pin thải ra môi trường, cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Chị Tuyết Nhung cho biết, ở nhà, gia đình chị đã thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm sử dụng dần lượng túi nylon bằng việc tự đem theo giỏ xách để đi chợ. Các túi nylon đựng thực phẩm nếu còn tương đối sạch thì chị sẽ giặt lại để đựng những thứ khác.
Thay thế vật liệu nhựa
Cũng với động thái thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Thanh Phong - chủ quán cà phê NGY (Phường 2, TP. Bến Tre) đã thay thế ly nhựa bằng ly giấy (dành cho khách mang đi) và sử dụng ly cứng (nhựa pha sợi tre) để khách uống tại chỗ, rửa lại để tiếp tục sử dụng như ly thủy tinh. Đồng thời, đối với khách uống tại chỗ, quán sử dụng loại ống hút tre và ống hút inox có thể tái sử dụng hoặc không dùng ống hút. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khách hàng.
Anh Phong cho biết: “Việc sử dụng ly giấy thay cho ly nhựa và các loại ống hút thân thiện với môi trường, ống hút tái sử dụng sẽ làm giảm lượng rác nhựa. Từ khi chuyển đổi hình thức sử dụng, số lượng rác nhựa tại quán đã giảm rõ rệt”. Anh Phong còn nhận thu lại các nắp ly bằng nhựa còn sạch để tái sử dụng. “Mình thay đổi thói quen một chút để góp phần tác động đến ý thức của các bạn trẻ”, anh Phong cho biết. Hiện anh Phong cũng có chế độ giảm giá tiền trên từng món nước khi khách đến mua mang đi tự đem theo ly và bình cá nhân để khuyến khích khách hạn chế sử dụng vật liệu dùng một lần.
Đối với các quán giải khát bán cho khách mang đi, hiện đã có sự thay thế túi nylon đựng ly bằng quai nhựa. Gần đây, trên thị trường cũng đã phổ biến loại quai xách ly may bằng vải thô, có thể giặt và sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, loại quai vải với nhiều họa tiết khác nhau cũng được ưa thích do có thể lựa chọn.
Sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa không phải là một trào lưu nhất thời mà đang được cộng đồng nhiều nơi quan tâm. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có giải pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa một cách kiên quyết hơn. Ví dụ như Malaysia vừa qua đã ban hành luật cấm sử dụng túi nylon dùng một lần đến năm 2030, trước tiên là hạn chế sử dụng ống hút nhựa. Hay tại Campuchia, từ tháng 4-2019 tới đây, Chính phủ sẽ đánh thuế việc sử dụng túi nylon. Tại các nước châu Âu, dự kiến từ năm 2021 sẽ có 10 sản phẩm nhựa dùng 1 lần như ống hút, tăm bông, muỗng nĩa nhựa… bắt buộc thay thế bằng vật liệu tái sử dụng.
Chỉ cần mỗi người thay đổi hành vi một chút sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống. “Giảm sử dụng vật liệu nhựa trước hết là bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chính mình và cũng là cho con em mình trong tương lai”, chị Tuyết Nhung chia sẻ.
Số liệu thống kê của chương trình môi trường Liên hợp quốc - UNEP cho thấy, mỗi năm, thế giới sản xuất 300 triệu tấn nhựa và hầu hết số nhựa này không được tái chế. 79% rác thải nhựa không được xử lý và bị chôn lấp trong đất hoặc thải ra các đại dương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việt Nam là một trong 5 nước có số lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới với 1,8 triệu tấn mỗi năm (5 nước gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka). |
Bài, ảnh: Thanh Đồng