Dù mối quan hệ Mỹ- Ấn bề ngoài có vẻ “lạnh nhạt” kể từ khi chính quyền mới lên nhậm chức tại Mỹ, song thực tế, thúc đẩy mối quan hệ lại có ý nghĩa chiến lược, được đánh giá là “lợi cả đôi bên”.
Có ý kiến cho rằng chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ đến Washington là nhằm “thăm dò ý định của Tổng thống Obama có tiếp tục củng cố quan hệ với New Delhi hay không- mối quan hệ từng ở vào giai đoạn “mặn nồng” nhất vào những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bush? Sở dĩ có ý kiến như vậy là bởi nhìn bề ngoài, quan hệ Mỹ- Ấn phần nào “nguội lạnh” trong giai đoạn mới lên cầm quyền của Tổng thống Obama, khi ông Obama đặt ưu tiên nhiều thúc đẩy quan hệ với Pakistan, hay mới đây là đi thăm Châu Á mà không thăm Ấn Độ... Đặc biệt, người đứng đầu Nhà Trắng phần nào làm mếch lòng Ấn Độ khi ký Tuyên bố chung với Trung Quốc, trong đó khẳng định ủng hộ việc hoà giải giữa Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ ngay sau đó đã phản ứng lại rằng không cần có sự can thiệp của Mỹ và Trung Quốc vào vấn đề song phương giữa Ấn Độ với Pakistan. Tất cả những diễn biến đó khiến người ta cho rằng quan hệ Mỹ- Ấn đang gặp trắc trở.
Tuy nhiên, xét về lợi ích lâu dài, dễ thấy chính quyền Obama vẫn khéo léo thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ. Bằng chứng là ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ lập tức lên tiếng xoa dịu Ấn Độ rằng Washington sẽ không đánh đổi quan hệ với Ấn Độ vì mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Đúng là ở đây, Mỹ không cần đánh đổi nhiều, bởi mức độ cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc không quá nặng nề kiểu đối thủ, mà chỉ đơn thuần là sự vươn lên đồng thời về kinh tế và ảnh hưởng của hai nước mới nổi trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, chính sách “ngoại giao mềm” hay “ngoại giao thông minh” mà chính quyền Obama tôn sùng, thực chất là phải mở rộng và cân bằng các mối quan hệ quan trọng với Mỹ, để thu được nhiều nhất có thể các lợi ích tự nhiên và lâu dài từ đó.
Chuyến thăm Ấn Độ cuối tháng 7/2009 của Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton là minh chứng cho thấy Washington được lợi nhiều từ mối quan hệ với Ấn Độ. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện thoả thuận hạt nhân dân sự lịch sử được ký dưới thời cựu Tổng thống Bush, hai bên đã ký Hiệp ước sử dụng tối đa về quân sự, mở đường cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ bán nhiều khí tài hiện đại cho Ấn Độ, đồng thời "trói" Ấn Độ vào một khuôn khổ pháp lý, đảm bảo công nghệ Mỹ bán cho Ấn Độ không bị chuyển sang các nước thứ ba. Cũng trong chuyến đi của bà Hilary, Ấn Độ còn đồng ý cho Mỹ độc quyền xây các nhà máy điện hạt nhân, hứa hẹn các hợp đồng lên tới hàng trăm tỉ USD. Ấn Độ cũng tích cực ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan khi là nhà viện trợ tay đôi lớn thứ 6 tại đây, với mức viện trợ 750 triệu USD. Bản thân tiến trình hoà giải giữa Ấn Độ và Pakistan cũng cần thiết với Mỹ, bởi có giảm bớt lo lắng về tranh chấp Kashmir ở phía Đông, chính quyền Pakistan mới có thể dồn sức cho cuộc chiến chống khủng bố ở phía Tây giáp biên giới với Afghanistan như Mỹ mong muốn.
Xét ngược lại, đương nhiên Ấn Độ cũng thu lại không ít lợi ích từ mối quan hệ được xây dựng ở tầm đối tác chiến lược với Mỹ. Triển vọng mối quan hệ này là khá sáng sủa, đặc biệt về thương mại, khi Mỹ đánh giá cao khả năng của Ấn Độ chống chọi tốt với khủng hoảng tài chính và hướng tới việc thiết lập thị trường tự do thương mại giữa hai bên. Ấn Độ cũng muốn đi trước một bước thúc đẩy “tham vọng nước lớn” bằng tuyên bố muốn cùng Mỹ “tìm kiếm một trật tự thế giới mới cân bằng và hợp lý”.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều bất đồng giữa hai bên, trong đó gay gắt nhất là vấn đề biến đổi khí hậu và đàm phán kinh tế toàn cầu. Với vai trò là một quốc gia mới nổi, Ấn Độ có tiếng nói không chỉ với tư cách song phương với Mỹ mà còn là một đại diện cho các quốc gia đang phát triển nói chuyện với một nước giàu có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới cũng như có chính sách bảo hộ mậu dịch gây nhiều bất bình. Nhưng ở vào thời điểm hiện nay khi cả Mỹ và Ấn Độ đều cùng hưởng lợi từ quan hệ hợp tác, không bên nào dại gì để bất đồng đi quá xa mà sẽ tranh thủ chính các bất đồng để “mặc cả” với nhau./.