Thực hiện một chữ “LIÊM” theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

13/05/2012 - 16:35

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Cuộc đời của Người là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và phong cách người lãnh đạo hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân thi đua yêu nước kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác Hồ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã có nhiều hoạt động chính trị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, trong cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai học tập chuyên đề “Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”.

Trong quan điểm về nội dung đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập và giải thích rõ 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, đồng thời nhấn mạnh “Thiếu một đức thì không thành người”. Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, là công bộc tận tụy của nhân dân thì không thể không tu dưỡng, rèn luyện và hiện thực hóa 4 đức nêu trên. Hiện nay, cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội đang sôi nổi học tập quán triệt, xây dựng và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) khóa XI - của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nội dung Nghị quyết thẳng thắn nêu rõ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau, các hiện tượng suy thoái này đã làm giảm sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên xuất phát từ việc không thực hiện đúng chữ LIÊM theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Đức tính “LIÊM” là một phạm trù đạo đức. Với người cán bộ cách mạng, liêm là liêm khiết, trung thực, làm việc có lương tâm, trách nhiệm theo nhiệm vụ được phân công. Người có bản lĩnh, đức liêm thể hiện qua thái độ ứng xử trong các mối quan hệ xã hội như không sợ uy vũ, không bị những “viên đạn bọc đường” làm cho mờ mắt. Người đã liêm thì không nịnh kẻ trên, không “đạp” người dưới, không thích và không cho phép người khác xu nịnh, tâng bốc mình. Người liêm một lòng, một dạ phấn đấu và cống hiến vì dân, vì nước mà không ham tiền tài, địa vị, thực sự chí công vô tư trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi. Người đã liêm thì có liêm sỉ, tức là có lòng tự trọng, biết xấu hổ khi có suy nghĩ và hành động sai trái. Trong kháng chiến, người cán bộ, chiến sĩ sống, chiến đấu dựa vào thế trận lòng dân, cái kim sợi chỉ của nhân dân cũng không được lấy. Do vậy, ý chí mới cao “Một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ cùng nhân dân, sẵn sàng hy sinh, gian khổ tranh đấu cho độc lập, thống nhất dân tộc, cho nhân dân được hòa bình, ấm no.

Rèn luyện và làm tốt chữ LIÊM trong giai đoạn cách mạng hiện nay là góp phần khẳng định quyết tâm của cán bộ, đảng viên thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần NQTW4 của Đảng.

Đảng ta đã thẳng thắn tự phê: trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có một bộ phận không nhỏ đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, tham nhũng, quan liêu, nghiêm trọng hơn là “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”… Những hiện tượng đó có nguyên nhân từ sự bất liêm, từ sự vô cảm khi làm điều không tốt. Trong bài “Cần, kiệm, liêm, chính” viết tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiều biểu hiện của sự bất liêm như: cậy quyền, cậy thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư, người có tiền cho vay cắt cổ, hoặc dìm người giỏi để giữ địa vị, hoặc gặp việc khó thì không dám làm…

Với tinh thần thực hiện phương châm hành động được nêu rõ trong NQTW4 là đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh, các cấp ủy Đảng trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết quan trọng này phải nhận diện, thực hiện tự phê bình và phê bình đối với những hiện tượng bất liêm để chỉnh đốn và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, không thể để các hiện tượng bất liêm kéo dài. Tinh thần kiên quyết của Đảng thể hiện rõ thái độ và phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh đối với những ai làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Rõ ràng, để tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh thì không thể để những hiện tượng bất liêm kéo dài.

Hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền tại địa phương đang triển khai sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Phương châm kết hợp “chống và xây”, “xây và chống” được thể hiện với nhiều hình thức như tổ chức đúc kết kinh nghiệm, nêu gương người tốt việc tốt, tổ chức hội thảo, tọa đàm đã tạo nên sức lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tác động đến quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và địa phương, việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng cần thiết “Chẳng những chúng ta phải cần, kiệm, chúng ta còn phải thực hành LIÊM”.       

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN