Thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW cần đặc biệt chú ý nâng cao đời sống nông dân

16/09/2011 - 08:29
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 là trông thấy được, rất ấn tượng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý những chính sách để phát triển, nâng cao đời sống người nông dân, coi đây là việc tập trung phát triển nguồn lực để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc kiểm điểm 3 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, toàn diện về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo các Ban Đảng, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành.

Bước đầu hình thành bộ mặt nông thôn mới

Nghị quyết 26-NQ/TW được dư luận trong và ngoài nước, nhất là người nông dân đón nhận một cách tích cực, với sự kỳ vọng về một thời kỳ mới, một bộ mặt mới của nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều nội dung của Nghị quyết khi được triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến rõ rệt, nhất là những nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X đã ban hành kết luận về một số nội dung trong Nghị quyết, bao gồm Đề án An ninh lương thực quốc gia, Đề án Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới cấp xã, Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam; Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thực phẩm, Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chính phủ đã phê duyệt, ban hành Chương trình hành động, đến nay đã phê duyệt được 31 Chương trình, Đề án; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia (ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn).

Trong 3 năm qua, khu vực nông nghiệp, nông thôn đã vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng. Năm 2009 đạt mức tăng GDP 1,83%; năm 2010 đạt 2,78%; bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế nông thôn.

Sau thời gian thực hiện thí điểm tại 11 xã điểm đại diện cho các vùng, miền, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã bước đầu hình thành được “hình hài” của mô hình nông thôn mới với những tiêu chí cụ thể, đồng bộ.

Công tác giảm nghèo đạt được thành tựu nổi bật, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng trên toàn cầu. Theo tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm từ 13,1% năm 2008 xuống còn 9,45% năm 2010.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành nhanh chóng ban hành 14 chương trình, đề án còn thiếu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26. - Ảnh: Chinhphu.vn

Thực hiện Nghị quyết 26, ngay từ năm 2009, Chính phủ đã trình Quốc hội dự toán hàng năm đảm bảo chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tốc độ tăng cao hơn chi chung của cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực này trong 3 năm 2009 – 2011 đạt gần 290.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước (giai đoạn 2006 – 2008 chiếm khoảng 45%)

Trong bối cảnh phải thắt chặt tín dụng, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên tăng tín dụng cho nông nghiệp – nông thôn, 8 tháng đầu năm 2011 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh những thành công ban đầu, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 cũng đã nổi lên một số những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Một số nhiệm vụ và giải pháp về điều chỉnh cơ chế chính sách đã được nêu ra trong Nghị quyết cũng như trong Chương trình hành động của Chính phủ nhưng các Bộ, ngành triển khai thực hiện chậm, thiếu đồng bộ. Tính đến tháng 6/2011, còn 14/45 chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ chưa được phê duyệt.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu  đề ra cho tăng trưởng sản xuất nông nghiệp là từ 2,8 – 3% năm, tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước khoảng 18%. Hàng năm, đào tạo 1 triệu lao động nông thôn, phấn đấu thu phập người dân nông thôn tăng từ 1,8 – 2 lần so với năm 2010. Đến năm 2015, sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Quyết liệt nhưng tránh nóng vội

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhấn mạnh một số cơ chế, chính sách còn thiếu, một số chính sách còn có nội dung mang tính cào bằng, chưa phù hợp với từng vùng, gây khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành nhanh chóng ban hành 14 chương trình, đề án còn thiếu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bổ sung sửa đổi những chính sách chưa phù hợp cũng cần được tập trung thực hiện.

“Trong xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần chú ý xác định rõ nhiệm vụ nào là nhiệm vụ nhà nước phải đầu tư, nhiệm vụ nào phải hỗ trợ, hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp”, Phó Thủ tướng nói.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả quan trọng đã đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26, “những kết quả trông thấy được, rất ấn tượng”.

Theo Tổng Bí thư, qua quá trình đi tìm hiểu thực tế, xây dựng nông thôn mới đang thành phong trào, kể cả những nơi khó khăn nhất, người dân cũng đang hồ hởi nói tới xây dựng nông thôn mới. Đây là biểu hiện sinh động của một Nghị quyết của Đảng được đông đảo các tầng lớn nhân dân đồng tình, ủng hộ và tự nguyện chung tay với chính quyền trong tổ chức thực hiện. Từ thực tế đó, Tổng Bí thư đề nghị cần liên tục có những tổng kết các mô hình hay, để từ đó nhân rộng, động viên, khuyến khích nhân dân thực hiện.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26. Theo đó, còn không ít cán bộ các cấp nhận thức chưa đúng về định hướng xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân dẫn đến cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiên lệch, hời hợt.

Tổng Bí thư cho rằng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 26 cần quyết liệt, nhanh chóng nhưng tránh nóng vội. “Phong trào thực hiện xây dựng nông thôn mới rất rầm rộ, sôi nổi, vậy là tốt. Nhưng mong muốn được đầu tư thật nhiều, thật nhanh để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới - đặc biệt về hạ tầng - là chưa thực sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, Tổng Bí thư lưu ý.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thấy rõ vai trò của người dân, của các cấp chính quyền trong thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 26.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý những chính sách để phát triển, nâng cao đời sống người nông dân. Trong thời gian qua, mảng nông nghiệp và nông thôn đã được thực hiện tương đối tốt, nhưng mảng chăm lo đời sống cho người nông dân chưa thực sự được chú trọng. Cần xác định đây không phải là ban ơn, là chăm sóc đời sống thuần túy, mà là tập trung phát triển nguồn lực để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương ban hành những văn bản, chính sách còn thiếu; tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt những chủ trương, chính sách hiện có. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý việc chỉ đạo, đôn đốc một cách bài bản, có hệ thống để việc triển khai Nghị quyết được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN