Trước diễn biến tình hình tại Thái Lan có chiều hướng leo thang, nhiều tổ chức tại nước này đã lên tiếng đề xuất các biện pháp tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị, đặc biệt giải quyết theo con đường nghị trường.
Tìm giải pháp đàm phán
Ngày 17/3, Chủ tịch Thượng viện Prasobsuk Boondej triệu tập phiên họp Thượng viện đặc biệt thảo luận khủng hoảng chính trị hiện nay. Phiên họp ra nghị quyết, 60 thượng nghị sĩ ký tên đề nghị Chủ tịch Quốc hội mở phiên thảo luận lưỡng viện theo điều 161 của Hiến pháp để nghe Chính phủ báo cáo tình hình. Ông Prasobsuk Boondej tin tưởng, biện pháp này giúp giảm tình hình căng thẳng giữa hai bên.
|
Cuộc "biểu tình máu" gây bất ổn tại Thái Lan (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Thủ tướng Abhisit hưởng ứng đề nghị của Chủ tịch Thượng viện và cho biết sẵn sàng mở phiên họp lưỡng viện với điều kiện không gây mâu thuẫn và đối đầu.
Chủ tịch Quốc hội Chai Chidchob đề nghị làm trung gian hòa giải tình hình chính trị và sẽ triệu tập phiên họp lưỡng viện theo điều 179. Ông Chai Chidchob hy vọng nhờ báo chí đưa tin kêu gọi hai bên kiềm chế và tạo ra bầu không khí thuận lợi hơn.
Diễn biến tình hình phức tạp làm phiên họp Hạ viện Thái Lan ngày 17/3 lại phải tạm hoãn đến ngày mai do chỉ có 34 hạ nghị sĩ tham dự, không đủ số nghị sĩ quá bán trong tổng số hơn 460 hạ nghị sĩ theo quy định của Hiến pháp nước này. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Quốc hội Thái Lan phải hoãn họp .
Cũng trong ngày 17/3, một nhóm Thượng nghị sĩ đến khu vực biểu tình thu thập ý kiến của lãnh đạo UDD (Mặt trận dân chủ chống độc tài), báo cáo lại với với Chủ tịch Thượng viện và Chính phủ, đồng thời đề xuất làm trung gian hòa giải trong cuộc đàm phán giữa Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt UDD .
Lãnh đạo chủ chốt UDD Natthawut Saikua khẳng định sẵn sàng đàm phán tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay và yêu cầu Chính phủ cũng phải thật lòng với những người biểu tình, đối xử công bằng với tất cả các bên. Ông Natthawut cho rằng: “Về nguyên tắc, khi có sự đối đầu giữa hai bên, đàm phán chỉ mang lại hòa bình thật sự khi các bên đàm phán không có sự cách biệt. Các bên đàm phán cần được đối xử công bằng về quyền tự do và lập trường”.
Trong khi đó, sinh viên của Mạng lưới Biện pháp hòa bình đã đề xuất với lãnh đạo chủ chốt của phe Áo đỏ đàm phán tìm cách giải quyết. Tổ chức này yêu cầu ông Kobsak Saphavasu và ông Veng Tochirakan cùng soạn thảo khung đàm phán và lựa chọn chủ đề cho cuộc đàm phán. Ông Kobsak được Thủ tướng chỉ định làm trưởng nhóm phối hợp với phe Áo đỏ do ông Veng Tochirakan làm trưởng nhóm giải quyết tình hình.
Người biểu tình giảm, người ốm gia tăng
Biểu tình dưới trời nắng nóng gay gắt và mưa làm nhiều người ốm, riêng trong ngày 17/3 đã có tới 6 người ốm. Như vậy, trong 5 ngày biểu tình, có tới trên 60 người bị ốm.
|
Máu tươi được UDD "rải" nhiều nơi tại Bangkok (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Chiều cùng ngày, lực lượng bảo vệ của Áo đỏ bắt được một kẻ lạ mặt trà trộn trong đám đông biểu tình mang theo vũ khí có lưỡi lê. Lực lượng này cũng phát hiện một số vật lạ hình dáng giống lựu đạn. Số vật lạ này được đưa về đồn cảnh sát quận gần đó kiểm tra xác minh.
Đại biểu tình của UDD (phe Áo đỏ) ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đến 17/3 ước tính chỉ còn khoảng 10.000 người tham gia so với con số trên 150.000 người trong ngày cao điểm.
Diễn biến tình hình phức tạp tại Thái Lan làm nhiều nước thông báo hủy bỏ tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 27 tại Thái Lan. Tổng thư ký Hạ viện Thái Lan cho biết Chile và Algeria đã thông báo hủy bỏ tham dự./.