Ba mươi lăm năm rồi! Song, cái không khí: “Cờ sao đang tung bay cao qua hết rồi những năm thương đau… vui sao nước mắt lại trào” của những ngày Tháng Tư năm 1975 giữa thành phố mang tên Người như vẫn còn âm vang trong mỗi chúng ta. Đó là những ngày đầy hoa và nước mắt. Hoa dành cho chiến công. Nước mắt không chỉ là biểu hiện cho niềm vui của ngày đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ mà còn là nỗi tiếc thương và tri ân những người con ra đi từ đó không về.
Trong triệu triệu sự hy sinh đó, chúng ta không thể quên vị cha già dân tộc. Một con người suốt cuộc đời: “… chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”. Ở đó, từ việc nhỏ đến việc lớn, Bác đều: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” mà câu chuyện: “Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi” là một minh chứng cụ thể.
Chuyện kể rằng: “Một ngày tháng 7 năm 1967 ở Hà Nội, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến mời cơm tiễn chân đồng chí lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Pháp.
Trong bữa cơm, Bác kể chuyện về khu Luýc-xăm-bua, Mông-pác-nát, nơi có nhiều kỷ niệm. Bác nói Bác rất yêu Paris, Paris đã dạy cho Người nhiều điều…
Bỗng tiếng còi báo động rú lên. Một chiến sĩ bảo vệ Bác và các đồng chí khác xuống hầm. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ.
Thưa Bác, tác chiến báo cáo chúng nó đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm trú ngay cho.
Bác quay lại đồng chí Bộ, nói:
- Bác già rồi, chẳng còn bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước.
Rồi Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh vệ.
Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng”.
Hạnh phúc là đấu tranh và hy sinh cho những điều cao cả. Chân lý ấy đã trở thành lẽ sống của Bác. Quan niệm đó được thể hiện qua câu nói thật bình dị mà sâu sắc dành cho anh chiến sĩ bảo vệ: “Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú ẩn trước”. Đây không phải là lần đầu tiên Bác sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con người và dân tộc Việt Nam mà đức tính cao quý ấy đã chuyển thành việc làm thường nhật của Người.
Chào mừng 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 120 năm Ngày sinh của Bác, mỗi chúng ta hãy làm một việc gì đó thiết thực cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp hơn. Làm được như thế là góp phần đền đáp phần nào sự hy sinh lớn lao cùng sự kỳ vọng của biết bao anh hùng liệt sĩ và nhân dân, nhất là Bác Hồ. Đó là con người suốt đời luôn trải lòng mình với dân tộc và nhân loại: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta. Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa. Chỉ biết có quên mình cho hết thảy. Như dòng sông chảy nặng phù sa”.