Tính thích nghi, năng suất, phẩm chất hạt trên các giống, dòng ca cao

09/03/2016 - 06:50

Đến nay, toàn tỉnh có 2.792ha trồng ca cao. Mặc dù diện tích giảm nhưng cây ca cao được đánh giá là cây trồng xen rất có hiệu quả trong vườn dừa và vườn cây ăn trái. Để góp phần phát huy lợi thế này và giúp người nông dân tăng thu nhập và có những giá trị cộng hưởng một cách hiệu quả trên một đơn vị diện tích, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và PGS.TS. Trần Văn Hâu thực hiện đề tài nghiên cứu “Đánh giá tính thích nghi, năng suất, phẩm chất hạt trên các giống, dòng ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.

Xác định giống, dòng ca cao phù hợp

Sau 24 tháng thực hiện, với kinh phí khoảng 463 triệu đồng, đề tài đã tuyển chọn được các giống ca cao phù hợp và xác định được tình hình sâu bệnh hại chủ yếu trên cây ca cao của tỉnh. Đồng thời đề xuất được quy trình kỹ thuật canh tác và các giải pháp kỹ thuật phòng trị, phát triển cây ca cao theo hướng an toàn và bền vững.

Trên cơ sở điều tra khảo sát và thu thập thông tin thứ cấp, nhóm thực hiện đề tài cho rằng, hiện có 11 giống ca cao được trồng ở tỉnh đều có nguồn gốc từ Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua thời gian trồng gần 10 năm, một số giống ca cao xuất hiện một số đặc tính không tốt và đặc biệt là có biểu hiện không phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương như hạt nhỏ, nảy mầm trong trái, tỷ lệ hạt/trái thấp… Cụ thể là giống ca cao TD5 bị nhiễm bệnh thối trái rất nặng; TD6 nẩy mầm trên trái trong mùa mưa hay thu hoạch hơi trễ; TD9 đậu trái kém. Như vậy, mặc dù có nhiều giống được ưa chuộng và trồng nhiều ở Bến Tre nhưng chỉ có 4 giống có thể phát triển được ở các vùng sinh thái của tỉnh là TD3, TD8, TD10 và TD11.

Trồng xen trong vườn dừa, cây ăn trái

Mô hình trồng ca cao ở Bến Tre chủ yếu là ca cao xen trong vườn dừa, chỉ có một số khu vực người dân trồng ca cao xen trong vườn cây ăn trái. Ngoài ra, qua khảo sát, nhóm thực hiện đề tài đề cập những hạn chế trong kỹ thuật canh tác của người dân như lượng phân bón cho cây ca cao giai đoạn cây chưa mang trái và mang trái chưa phù hợp nên năng suất ca cao của tỉnh còn rất thấp, trung bình là 3,1 - 4,1 (tấn trái/ha/năm). Từ những kết quả này, nhóm khuyến cáo người dân sử dụng các công thức bón phân như sau:

Giai đoạn cây chưa mang trái, khuyến cáo thực hiện công thức bón phân cho ca cao theo nghiên cứu của Ling (1984) ở Malaysia. Giai đoạn kiến thiết cơ bản nên bón sau 1 tháng rưỡi sau khi trồng với liều lượng đạm, lân như nhau (4,5g/cây), Kali và Mg cung cấp ít hơn (1,8g/cây đối với Kali và Mg 1,2g/cây). Sau đó bón tiếp vào 3 hoặc 5 và 8 tháng sau khi trồng với liều lượng cao hơn bón lần đầu 2 lần, bón tiếp vào giai đoạn cây được 11 tháng với liều tăng gấp 3 lần bón đầu. Tiếp tục bón cho cây vào các giai đoạn 14 và 17 tháng, 20 và 23 tháng với liều gấp 4 - 5 lần bón lần đầu.

Giai đoạn cây mang trái, khuyến cáo thực hiện công thức bón phân cho ca cao theo nghiên cứu của Tất Anh Thư và cộng tác viên (2012): năm thứ nhất bón đạm và lân với 100g/cây, năm thứ hai bón đạm, lân và Kali với liều đạm gấp 2 lần lân và Kali và tăng gấp đôi lượng bón năm đầu, cứ thế bón vào năm thứ ba, thứ tư với liều lượng đạm, lân và Kali tăng gấp 2 lần hoặc gấp 3 lần khi bón năm thứ hai. Nếu có áp dụng phân hữu cơ vi sinh sẽ giảm lượng phân còn 75% công thức trên. Từ năm thứ sáu trở đi bón đạm (300g/cây), lân (150g/cây) và Kali (400g/cây) và bổ sung phân hữu cơ (24kg/cây) ủ với Trichoderma.

 Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn cho người dân kỹ thuật tỉa cành, bón phân cân đối theo các giai đoạn phát triển trái để cải thiện năng suất, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp nên ở mô hình trồng xen cây ăn trái có tỷ lệ trái/cây là 85,6 trái/cây, năng suất 17,83 tấn/ha (mô hình trồng xen dừa là 70,6 trái/cây và năng suất 13,57 tấn/ha). Tuy nhiên, nếu tính hiệu quả kinh tế thì mô hình trồng xen trong vườn dừa cao hơn mô hình trồng xen trong vườn cây ăn trái. Bởi vì, chi phí đầu tư cho ca cao trồng xen trồng vườn dừa tăng 1,2 - 1,4 lần thì năng suất trái/cây cũng tăng tương tự, nhưng nếu đầu tư chi phí cho ca cao trồng xen trong vườn cây ăn trái tăng 2,4 lần thì năng suất trái/cây chỉ tăng khoảng 1,2 lần. 

Sâu bệnh hại trên cây ca cao ở Bến Tre chủ yếu là bọ xít muỗi và bệnh thối trái. Để phòng trừ bọ xít muỗi, cần tỉa cành cây che bóng trong mùa mưa, tạo thông thoáng trong vườn cây, hạn chế bọ xít muỗi phát triển. Nhân nuôi một trong 2 loại kiến (kiến đen, kiến vàng) trên vườn để kiểm soát bọ xít muỗi. Phòng trị bệnh thối trái, cần hái bỏ, chôn các trái bệnh để tránh bào tử phát tán do gió, nước mưa, côn trùng; tỉa cành hợp lý tạo thông thoáng, giảm độ ẩm dưới tán lá; tạo bóng râm thích hợp để đủ ánh sáng trong vườn ca cao.

Xuân Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN