BDK - Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra thời cơ mới để nước ta đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với an toàn, an ninh thông tin mạng. Trong năm 2025, nước ta có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn, đây chính là thời điểm các thế lực thù địch lợi dụng nhằm tấn công các hệ thống thông tin quan trọng và đưa ra luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, việc đầu tư và chú trọng vào công nghệ an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết hiện nay.
An ninh mạng trong thời đại công nghệ số. Ảnh: lib.agu.edu.vn
Công nghệ an ninh mạng bao gồm các phương pháp, công cụ, kỹ thuật và quy trình được sử dụng để bảo vệ hệ thống máy tính, mạng và dữ liệu khỏi các mối đe dọa, tấn công, truy cập trái phép hoặc hư hỏng và các hình thức tấn công khác. Dưới đây là một số thành phần chính của công nghệ an ninh mạng.
Tường lửa (Firewall): Là bộ lọc giữa mạng nội bộ và mạng bên ngoài, phân tích và kiểm soát lưu lượng truy cập, ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài, ghi lại và báo cáo các hoạt động mạng, giúp quản trị viên theo dõi và phân tích các mối đe dọa tiềm tàng. Các loại tường lửa gồm tường lửa phần cứng (Hardware Firewall), tường lửa phần mềm (Software Firewall), tường lửa dựa trên ứng dụng (Application Firewall) và tường lửa thế hệ mới (Next-Generation Firewall-NGFW).
Mã hóa (Encryption): Là quá trình biến đổi thông tin từ dạng dễ đọc thành một dạng mã hóa để chỉ những người có quyền truy cập hoặc có chìa khóa giải mã mới có thể đọc được. Mục đích của mã hóa là bảo vệ tính riêng tư và bảo mật của thông tin khi nó được truyền tải hoặc lưu trữ. Kỹ thuật mã hóa dữ liệu là để ngăn chặn truy cập trái phép và bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Phát hiện xâm nhập (IDS-Intrusion Detection System): Là quá trình giám sát và phân tích các hoạt động trong hệ thống mạng và máy tính nhằm phát hiện các hành vi bất thường hoặc có dấu hiệu tấn công. Hệ thống giúp phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công trước khi chúng gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Phòng ngừa xâm nhập (IPS-Intrusion Prevention System): Là quá trình ngăn chặn các hành vi tấn công và xâm nhập vào hệ thống mạng hoặc máy tính trước khi chúng gây ra thiệt hại. Lợi ích của hệ thống phòng ngừa xâm nhập là ngăn chặn các tấn công ngay khi chúng xảy ra, giảm thiểu thiệt hại; cải thiện khả năng bảo vệ hệ thống và dữ liệu khỏi các mối đe dọa an ninh mạng.
Xác thực (Authentication) và Kiểm soát truy cập (Access Control): Là quá trình xác minh danh tính, đảm bảo rằng chỉ những người dùng có quyền mới có thể truy cập vào hệ thống và dữ liệu. Các phương pháp xác thực phổ biến như Mật khẩu (Password), xác thực hai yếu tố là mật khẩu kết hợp với mã OTP gửi qua điện thoại hoặc email; xác thực đa yếu tố gồm mật khẩu, thẻ mã, mã OTP, dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt.
Bảo vệ dữ liệu (Data Protection): Là quá trình và các biện pháp được thực hiện để bảo vệ thông tin và dữ liệu quan trọng khỏi các mối đe dọa như truy cập trái phép, mất mát, hư hỏng và các hành vi tấn công khác. Sử dụng các kỹ thuật mã hóa để biến đổi dữ liệu thành dạng không thể đọc được nếu không có chìa khóa giải mã.
Quản lý rủi ro (Risk Management): Là quá trình xác định, đánh giá và kiểm soát các mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ thống và dữ liệu, nhằm bảo vệ tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng của thông tin. Xác định các mối đe dọa và lỗ hổng trong hệ thống mạng và dữ liệu bao gồm tấn công mạng, phần mềm độc hại, truy cập trái phép, lỗi hệ thống và lỗ hổng bảo mật.
Phần mềm diệt virus và malware (Antivirus and Anti-malware Software): Là các chương trình được thiết kế để phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các phần mềm độc hại. Các phần mềm diệt virus và malware phổ biến như Norton AntiVirus, McAfee Total Protection, Kaspersky Anti-Virus, Bitdefender Antivirus, Avast Free Antivirus. Lợi ích của phần mềm diệt virus và malware là ngăn chặn và loại bỏ các mối đe dọa, bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các cuộc tấn công.
Bảo mật đám mây (Cloud Security): Là các biện pháp và công nghệ được sử dụng để bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và cơ sở hạ tầng của một tổ chức hoặc cá nhân khi sử dụng dịch vụ đám mây. Bảo mật đám mây đảm bảo rằng dữ liệu và ứng dụng trên đám mây được bảo vệ khỏi các mối đe dọa và truy cập trái phép.
Đào tạo và nâng cao nhận thức (Training and Awareness): Đây là quá trình giáo dục và hướng dẫn nhân viên, người dùng về các mối đe dọa an ninh mạng, các biện pháp phòng ngừa và cách phản ứng khi gặp các sự cố bảo mật.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bảo vệ an ninh mạng ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng không gian mạng thực sự lành mạnh và an toàn. Công nghệ an ninh mạng là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và luôn cần được cập nhật để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi.