Gia công sản phẩm quai dây lác bảo vệ môi trường tại nhà bà Hạ Thị Hoàng Phấn.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, sản phẩm được xuất bán ra thị trường nước ngoài (đa phần là Đức) trên 50 ngàn sợi/tháng. Hiện nay, chủ yếu cung cấp cho thị trường Việt Nam, khoảng 30 - 40 ngàn sợi/tháng.
“Con gái tôi làm ở TP. Hồ Chí Minh là người khởi xướng, sáng kiến ra sản phẩm rồi chuyển giao kỹ thuật về gia đình và mở rộng cho Chi hội Phụ nữ ấp cùng nhau thực hiện. Lúc đầu chưa nắm vững kỹ thuật hay cách làm nên mọi người còn khá vụng về. Làm được một thời gian thuần thục, chị em nhận hàng về nhà làm nhanh chóng và đạt kết quả cao”, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Minh Nghĩa Hạ Thị Hoàng Phấn chia sẻ.
Trước đây, bà Phấn đến tận tỉnh Trà Vinh để lựa chọn nguyên liệu. Hiện tại, bà đến đầu mối phân phối dây lác, tại xã An Định (Mỏ Cày Nam) mua nguyên liệu dây lác đan sẵn thành cuộn mang về cho chi hội gia công. Để sản phẩm đạt chất lượng, cần chọn lựa nguồn nguyên liệu ban đầu phù hợp. Sản phẩm làm xong được mang ra phơi nắng để giảm thiểu độ mốc.
“Hơn 2 năm gắn bó công việc phù hợp sức khỏe tuổi già thậm chí nằm võng vẫn có thể làm, rảnh là bắt tay vào làm. Lúc đầu, con dâu không cho làm thường xuyên vì sợ sức khỏe không đảm bảo. Qua thời gian, tôi lượng sức mình mà nhận về làm. Thu nhập trung bình 50 ngàn đồng/ngày và có khi cả trăm ngàn đồng/ngày. Mỗi tối, tôi làm cũng được 100 - 200 sợi”, bà Đỗ Thị Trường (78 tuổi, ở ấp Minh Nghĩa, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam) bộc bạch.
Bà Phấn phụ trách đi nhận nguồn nguyên liệu về tại nhà và giao sản phẩm lên TP. Hồ Chí Minh cho con gái xử lý. Mọi người gia công sẽ đến nhà bà nhận nguồn nguyên liệu rồi bàn giao sản phẩm sau khi hoàn thành. Bà dùng xe gắn máy đến cơ sở phân phối dây lác để lựa chọn và nhận nguyên liệu về (50kg/chuyến).
“Tôi và con dâu cùng làm, dây nhiều thì lãnh nhiều. Ước chừng thu nhập từ 50 - 150 ngàn đồng/ngày. So với công việc gia công khác thì nhẹ nhàng và phù hợp mọi lứa tuổi, hoàn cảnh làm việc, thu nhập khá hơn”, bà Đoàn Thị Mỗi (55 tuổi, gần nhà bà Phấn) tâm sự.
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngãi Đăng Phạm Thị Kim Châu cho biết: Đây là mô hình thân thiện môi trường, mang ý tưởng sáng tạo cao của cá nhân, giúp phụ nữ địa phương có thêm thu nhập. Không đòi hỏi nặng nề về công sức, chỉ cần nắm vững kỹ thuật và cần mẫn, tỉ mỉ trong lao động. Mô hình này đã giúp nhiều phụ nữ ở Minh Nghĩa có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Lê Đệ