BDK - Cho vay tài chính vi mô (TCVM), nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ, ổn định cuộc sống, không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần tạo việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. TCVM thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như: tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, TCVM ngày càng đóng vai trò quan trọng cho những người nghèo, người có thu nhập thấp. Vì họ là đối tượng có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính nhưng lại khó tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.
Khách hàng tiếp nhận vốn vay tài chính vi mô từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bến Tre.
Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng cho biết: Trên địa bàn tỉnh, hiện có nhiều loại hình tổ chức tín dụng tham gia cho vay TCVM như các công ty tài chính, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (gồm 16 chương trình tín dụng chính sách), còn có Chi nhánh Tổ chức TCVM cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Tổ chức TCVM CEP) và 7 chương trình, dự án TCVM của Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế và Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Đến nay, hoạt động TCVM trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn vốn vay TCVM đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người nghèo và các doanh nghiệp vi mô khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại. Từ đó, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, từng bước hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Tổng dư nợ cho vay TCVM đạt khoảng 6 ngàn tỷ đồng, với hơn 183 ngàn khách hàng còn dư nợ (tính theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thì tổng dư nợ đạt gần 2.200 tỷ đồng với khoảng 41.800 khách hàng còn dư nợ).
Ngày nay, mạng lưới ngân hàng, các dịch vụ tài chính ngày càng trở nên phổ biến, mở rộng đến các vùng nông thôn. Các sản phẩm tài chính số được triển khai ngày càng mạnh mẽ, với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Nhưng với những chuẩn mực, ràng buộc pháp lý trong hoạt động, các ngân hàng thương mại thường tập trung chủ yếu cho vay các khách hàng có thu nhập ổn định, có tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng tốt với các sản phẩm có giá trị khoản vay cao, thời gian dài hơn là nhóm khách hàng thu nhập thấp với các sản phẩm cho vay tín chấp, giá trị khoản vay nhỏ, thời gian ngắn. Vì vậy, TCVM sẽ có nhiều ưu thế để phát triển do gần dân, thủ tục gọn nhẹ, thời gian giải ngân nhanh, phù hợp với nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn vốn của các chương trình, dự án TCVM gặp khó khăn do vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hạn hẹp; nguồn vốn ưu đãi, vốn huy động từ các tổ chức, cơ quan, đoàn thể còn hạn chế. Nhiều người dân (đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa) còn thiếu kiến thức tài chính, thu nhập không ổn định dẫn đến rủi ro sử dụng vốn không hiệu quả/ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn. Ngoài ra, do tâm lý phòng thủ, một số còn e ngại vay nợ, sợ rủi ro, hoặc không quen thuộc với các dịch vụ TCVM hoặc thiếu tin tưởng vào các tổ chức cung cấp TCVM.
Hướng tới mục tiêu tài chính bền vững
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng, để thúc đẩy phát triển TCVM, nâng cao tỷ lệ vay TCVM/GRDP trên địa bàn tỉnh, cần không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức TCVM, các chương trình, dự án TCVM như: Tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ vào các quy trình hoạt động, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm... để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, nhất là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhận diện khách hàng, cho vay và quản lý khoản vay.
Tăng cường sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân để giúp họ có kiến thức trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, góp phần cải thiện thu nhập, hướng tới mục tiêu tài chính bền vững, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi điều kiện tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đầy đủ. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn, thu hút, có tính lan tỏa cao trong cộng đồng dân cư, nhất là khu vực người dân ở khu vực nông thôn, cách xa trung tâm kinh tế. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, nhất là quan tâm đến “tuyên truyền miệng”.
Địa phương cần quan tâm bố trí, phân bổ ngân sách hỗ trợ nguồn vốn hoạt động cho các tổ chức TCVM để có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp, hợp lý của người dân. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của TCVM, nhất là các chương trình, dự án TCVM để bảo đảm các tổ chức TCVM hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh thời gian qua (xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị chủ lực, mô hình kinh tế tập thể, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn...). Từ đó, kiến tạo môi trường thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có điều kiện khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức TCVM phát huy vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế “tín dụng đen”, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Sự phát triển của TCVM nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và là một trong những trụ cột quan trọng, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam nói chung và tại Bến Tre nói riêng. Để nâng cao hiệu quả của vay TCVM, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ nhiều phía, từ chính quyền địa phương, đoàn thể đến tự thân các tổ chức TCVM. Quan trọng nhất là người dân, doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp. Từ đó, góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của TCVM, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội”.
(Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng)