BDK - Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội, thời gian qua, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, trong đó coi trọng và tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở diễn tập cứu hỏa.
Phát huy phương châm “4 tại chỗ”
Theo thông tin từ Công an tỉnh, để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên khắp các địa bàn dân cư. Tính đến nay, tỉnh đã thành lập 2.557 đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, 953 đội dân phòng và thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng này. Xây dựng 655 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, 170 mô hình điểm chữa cháy công cộng.
Tại Phường 6, TP. Bến Tre - nơi tập trung khá đông dân, với 1,96 ngàn hộ dân sinh sống ở 4 khu phố. Tại đây có 158 cơ sở thuộc diện chính quyền địa phương quản lý, gồm có 56 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, 9 nhà nghỉ và 93 nhà trọ. Để đảm bảo an toàn, chủ động trong các tình huống, phường đã triển khai xây dựng được 66/66 tổ liên gia an toàn PCCC và 4/4 điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn phường. Đến nay, tại 66 tổ liên gia an toàn PCCC đều được trang bị biển hiệu và nội quy, tiêu lệnh PCCC. 4 điểm chữa cháy công cộng cũng được trang bị biển hiệu và các dụng cụ, phương tiện chữa cháy, đúng quy định. Các dụng cụ, phương tiện PCCC thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng theo định kỳ và có thể hoạt động tốt, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Từ trước đến nay, mặc dù sống nơi con hẻm nhỏ, dân cư đông đúc nhưng bà Trần Thị Thu, khu phố Bình Khởi, Phường 6, TP. Bến Tre chưa bao giờ chị nghĩ đến việc PCCC như thế nào. Khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp với các ngành chức năng truyền thông, bà Thu đã ý thức nguy cơ “giặc lửa” luôn tiềm ẩn, có thể đe dọa cuộc sống bình yên của người dân. Do đó, bà đã chủ động tham gia tổ liên gia an toàn PCCC và quyết định mua bình chữa cháy để đảm bảo an toàn cho gia đình nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) với mục tiêu quan trọng nhất là “phòng cháy hơn chữa cháy”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, mới đây, tại Kho xăng dầu Rạch Vong thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre (Phường 8, TP. Bến Tre), UBND tỉnh đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH cấp tỉnh, có huy động nhiều lực lượng, phương tiện, tài sản của nhiều cơ quan, tổ chức và Công an các tỉnh lân cận tham gia.
Tình huống diễn tập giả định, vào khoảng 15 giờ 30, ngày X tháng Y năm Z, Kho xăng dầu Rạch Vong đang hoạt động bình thường thì trời bất chợt chuyển mưa giông. Một tia sét đã đánh trực tiếp vào bể B2 chứa dầu Diesel. Lúc này, lượng dầu bên trong còn khoảng 80% dung tích bể chứa. Hệ thống tiếp địa chống sét cho cụm bể đang trong thời điểm bảo dưỡng kỹ thuật nên không có khả năng chống sét; vì vậy, tác động của tia sét đã gây nổ hỗn hợp hơi dầu Diesel với không khí được hình thành trong khoảng không tự do của bể chứa và gây ra cháy.
Sau khi nhận được tin báo cháy từ cơ sở qua Tổng đài 114, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện, xin chi viện các lực lượng khác cùng đến hiện trường hỗ trợ chữa cháy và CNCH, khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh, thời gian qua, công tác công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức và xây dựng phong trào Toàn dân PCCC&CNCH được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC&CNCH. Ngoài ra, công tác rà soát, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn về PCCC&CNCH đối với các cơ sở, khu dân cư trên địa bàn tỉnh được tăng cường, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm những sơ hở, thiếu sót, vi phạm, hạn chế tình hình cháy nổ xảy ra. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục được kiện toàn, phát triển; công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH được tổ chức hiệu quả đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; việc đầu tư kinh phí cho hoạt động, trang bị phương tiện PCCC&CNCH ngày càng được quan tâm, các điều kiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy có nhiều cải thiện… Nhờ tập trung đồng bộ nhiều biện pháp công tác đã góp phần kiềm chế tình hình cháy, nổ, không để xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14.400 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 2.560 cơ sở thuộc danh mục cơ sở do Cơ quan Công an quản lý và 11.256 cơ sở thuộc danh mục do UBND cấp xã quản lý.
“Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC trong thời gian tới, đề nghị các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chủ động rà soát, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và CNCH tại cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao kỹ năng PCCC cho lực lượng PCCC&CNCH nhằm phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC&CNCH. Đồng thời chủ động, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án chữa cháy và CNCH tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ sở, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn”.