BDK.VN - Ngày 27-12-2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Bến Tre, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu đã được xem video clip về kết quả công tác năm và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành; đồng thời nghe thảo luận, phát biểu của lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, Bộ, ngành trung ương.
Năm 2024, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục lần lượt là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu thực hiện trong năm 2025 như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD; phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2024, nhất là công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định phục hồi sản xuất.
Định hướng năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn; liên kết “5 nhà” trong sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản, góp phần sớm gỡ “thẻ vàng” đối với khai thác thủy sản. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy khi sáp nhập và các đơn vị tinh gọn “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo kế hoạch, tiến độ, yêu cầu của Trung ương, Chính phủ…