Khánh thành cầu Đồng Tâm 110 tại Ấp 3, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm. Ảnh: HCĐ
Đổi thay trên đất cù lao
Trước và những năm đầu sau giải phóng, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh bị hư hỏng rất nặng nề và lạc hậu, hầu hết tuyến đường đều là đường đất hoặc sỏi đỏ; toàn bộ cầu đều là cầu tạm hoặc tải trọng thấp. Ngay cả trục lộ chính ra vào tỉnh là quốc lộ 60 và quốc lộ 57 cũng ở tình trạng chắp vá. Để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát động chủ trương tăng tốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và nhựa hóa, bê-tông hóa GTNT. Đến năm 2000, phong trào đã phát triển mạnh mẽ với các phương thức: Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước thưởng, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ… đã đạt kết quả khả quan.
Bà Akemi Bando, là một người bạn Nhật Bản gắn bó mật thiết với Bến Tre trong thực hiện các chương trình từ thiện, đã không khỏi bất ngờ về sự đi lên của quê hương Đồng Khởi. Lần đầu tiên đến Bến Tre, đầu thập niên 90, bà nhận thấy nhiều người dân nông thôn phải đi chân đất, đường sá đi lại khó khăn nhưng sau đó không lâu, quay trở lại thì những hình ảnh trên đã giảm đáng kể, các tuyến đường tốt hơn, xuất hiện xe cộ nhiều hơn.
Không chỉ riêng bà Bando, những người sống cả đời ở những miền quê này cũng không sao nói hết sự phấn khởi trước sự thay da đổi thịt ấy. Ông Trịnh Văn Y - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: “Giao thông trong chiến tranh đã khó, chủ yếu là lộ đất, phương tiện đi lại là xuồng, chưa kể bị bom đạn tàn phá. Bước ra từ hy sinh, mất mát của chiến tranh, trong nhiều nhu cầu bức thiết cần được giải quyết, đó là phải khắc phục tình trạng không cầu, không lộ, không trường học… Từ năm 1991, tỉnh tập trung cho giao thông rất dữ, đầu tiên phục vụ theo nhu cầu, sau đó làm theo quy hoạch”. Đến cuối năm 2002, tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ của từng huyện, thị. Trên cơ sở đó, các địa phương thực hiện đầu tư, xây dựng GTNT theo chiến lược đã đề ra.
Nghỉ hưu, gắn bó với Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh đã nhiều năm nhưng nhắc lại những nơi đã qua, những việc đã làm, ông Trịnh Văn Y nhớ ngay đến những người nông dân hết sức hết lòng vì “sự nghiệp cầu đường”. Đó là ông Mặc Văn Thắm ở xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc; ông Lê Văn Quyên ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, trên 10 hộ hy sinh đất đai, cây trồng ở xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm… Rất tiếc tôi chưa nắm có bao nhiêu cá nhân, tập thể đã được biểu dương, khen thưởng trong phong trào xây dựng GTNT trước đây, chỉ biết rằng, đi trên những con đường, cây cầu đầy nghĩa tình ấy, bà con địa phương thể hiện sự cảm kích và cho biết sẽ tiếp nối việc làm đầy ý nghĩa để có những tuyến đường, cây cầu khang trang, đúng chuẩn hơn trong một ngày không xa.
Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh được xem là đơn vị đi đầu của tỉnh, được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm, trong vận động xây dựng GTNT.
Xây dựng cầu lộ vì nông dân, nông thôn
Chỉ tính trong giai đoạn 2010 - 2015, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, phần đường xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo 586km đường huyện, 1.382km đường liên xã, trục xã, 1.977km đường thôn xóm và 171km đường trục nội đồng. Phần cầu xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo 1.204 cây cầu trên đường huyện, đường xã, đường thôn xóm và đường trục nội đồng. Tổng kinh phí khoảng 2.675 tỷ đồng, trong đó ngoài ngân sách Trung ương, địa phương, vốn đóng góp của nhân dân 313 tỷ đồng, vốn huy động xã hội và các nguồn vốn khác 435 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng ngày công huy động khoảng 185 ngàn ngày. Giá trị đất của nhân dân đóng góp khoảng 52 tỷ đồng.
Đưa vào sử dụng cầu mới Định Thủy (Mỏ Cày Nam). Ảnh: T.Huyền
Những con số trên là minh chứng cho sự đồng sức, đồng lòng của người dân trước chủ trương đúng đắn của tỉnh; sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan ở trong và ngoài nước. Nhờ đó, mạng lưới GTNT của tỉnh cơ bản được hình thành, nhất là các tuyến đường GTNT chính đã được bao phủ rộng khắp, đảm bảo đi lại thông suốt từ trung tâm huyện, thành phố đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các ấp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh. Mạng lưới đường GTNT phát triển đã thúc đẩy nhu cầu trao đổi hàng hóa, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng nông thôn lân cận với nhau. Các tuyến đường GTNT được nhựa hóa, bê-tông hóa đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng GTNT còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu để hoàn thành các tiêu chí về giao thông trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn dành cho bảo trì cũng còn thấp. Quy mô và chất lượng của nhiều tuyến đường GTNT được xây dựng trước đây còn thấp, như chiều rộng mặt đường nhỏ, mặt đường xuống cấp và cầu yếu trên tuyến đã làm hạn chế khả năng khai thác của các tuyến đường…
Biến từ không thành có, ít thành nhiều là điều dễ thấy trong việc huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư xây dựng GTNT. Với quyết tâm đưa tỉnh nhà khắc phục hạn chế nói trên, xây dựng hệ thống GTNT hoàn chỉnh phục vụ thiết thực nhất cho lợi ích của cư dân vùng nông thôn, tháng 8-2018, tỉnh đã phát động phong trào xây dựng GTNT từ nay đến năm 2020 với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Hơn bao giờ hết, nhà nhà, người người cùng chung tay để thực hiện những phần việc cụ thể nhất, thiết thực nhất nhằm xây dựng nông thôn mới. Tinh thần Đồng khởi năm 1960 một lần nữa tiếp tục tỏa sáng trên “mặt trận” xây dựng GTNT của tỉnh nhà.
Mục tiêu cơ bản của Đề án số 3333
Xây dựng GTNT và phát triển GTNT gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thi đua “Đồng khởi mới”. Cụ thể trong 147 xã, ngoài nội dung phấn đấu 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì các xã còn lại xây dựng cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông vào năm 2020. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 thực hiện thêm 5 xã nông thôn mới để đạt chỉ tiêu 50 xã theo chỉ tiêu của Chính phủ giao.
|
Khải Minh