Hoạt động biểu diễn ca ngợi cụ Đồ Chiểu trong dịp Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre 1-7.
Giá trị đạo lý làm người
Để nghiên cứu sâu về Nguyễn Đình Chiểu, trong năm 2020, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022). Đây là một sự kiện quan trọng, khẳng định mạnh mẽ những giá trị VH vượt thời gian về cụ Đồ Chiểu; có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Nhiều nhà khoa học đã có cùng nhận định: Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mà còn là một nhà VH lớn, một nhân cách VH lớn, một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã, trung với nước, hiếu với dân.
“Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”, “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”… Đây là một số câu thơ trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông và đã thấm sâu trong tâm thức của nhiều thế hệ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã phần nào thể hiện rõ tư tưởng, nhân cách, đạo đức sáng ngời của cụ - một nhà giáo, một thầy thuốc, một nhà thơ có lòng yêu nước sắt son, kiên định, suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình ra phục vụ cho nhân dân.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là người có nhiều công trình nghiên cứu về cụ Nguyễn Đình Chiểu và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy mời tham gia xây dựng hồ sơ quốc gia danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để trình UNESCO. Ông đã nhắc lại: Trong cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng gặp gỡ, hiến kế cho những người yêu nước như Trương Công Định, Phan Công Tòng… đánh quân Pháp xâm lược. Chẳng may khi họ ngã xuống, cụ đã dành tấm lòng mình viết những áng hùng văn tạc họ vào lịch sử ngàn đời.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận đầy đau thương, biến cố cho đến cuối cuộc đời. Trọng đạo lý, không màng danh lợi, đó là phẩm chất của nhà VH lớn Nguyễn Đình Chiểu.
Cuộc đời, khí tiết và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu đã thấm sâu và có tầm ảnh hưởng lớn đến tâm hồn của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng. Đặc biệt, Bến Tre là nơi được cụ chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm cuối đời.
Ngày hội truyền thống văn hóa 1-7
Ra đời từ năm 1992 đến nay, Ngày hội truyền thống VH tỉnh 1-7 đã trở thành sự kiện VH quen thuộc hàng năm của người dân xứ Dừa, nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ Đồ Chiểu. Qua đó, nhắc nhớ cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức cao đẹp của cụ; giáo dục truyền thống VH đến các tầng lớp nhân dân. Năm nay, ngày hội là dịp kỷ niệm 199 năm ngày sinh (1-7-1822 -1-7-2021) và 133 năm ngày mất (3-7-1888 - 3-7-2021) của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu.
Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người đã hạn chế và tạm dừng. Vì thế, ngày hội không tổ chức các hoạt động hội thi, hội thao như mọi năm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về ngày hội vẫn được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong đó, Tỉnh Đoàn, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Thư viện Nguyễn Đình Chiểu sẽ phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tuyến Ngày hội Thanh niên với truyền thống VH tỉnh năm 2021. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh sẽ đến viếng, thắp hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri).
Vào những ngày này, nhiều di sản VH của tỉnh đã được nhắc nhớ. Nổi bật là VH về cốt cách tinh thần mà nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và các danh nhân Bến Tre đã để lại. Đó là tinh thần yêu nước nồng nàn, bất khuất, tự lực tự cường vượt qua những gian lao, thử thách, sẵn sàng đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, còn có VH đặc sắc về dân ca, với hơn 70 điệu lý và các làn điệu dân ca được lưu giữ. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, dân gian mang dấu ấn của vùng sông nước xứ Dừa, được giới chuyên môn nhận định là một trong những cái nôi “đờn ca tài tử” phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ba dải cù lao.
Trung ương đã công nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri), Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (huyện Bình Đại), Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh và Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm).
Riêng Hát sắc bùa Phú Lễ là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, tồn tại trên 100 năm, hiện đang có nguy cơ mai một cao đã được Hội Di sản văn hóa ra sức phục hồi, gầy dựng và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
|
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt