Giám đốc dự án LCASP Nguyễn Thế Nghĩa báo cáo kết quả dự án.
Dự án LCASP do ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Bến Tre là 1 trong 10 tỉnh trên toàn quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn tham gia dự án.
Dự án thực hiện từ năm 2013 đến năm 2019 và được gia hạn đóng hiệp định tín dụng đến 30-6-2020.
Dự án đã thực hiện 4 hợp phần gồm: Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp; quản lý dự án. Tính đến ngày 31-5-2020, kết quả giải ngân toàn dự án trên 32,9 tỷ đồng, trong đó, vốn ADB trên 30,6 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của tỉnh.
Dự án thực hiện hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 6.091 công trình khí sinh học các loại quy mô vừa và nhỏ, tổng kinh phí trên 19,2 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức 192 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 7 ngàn lượt người tham dự, nhiều lớp hội thảo, đào tạo cho các đối tượng. Dự án cũng xây dựng được các mô hình ứng dụng nông nghiệp các bon thấp như: Mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; mô hình sử dụng hệ thống thông khí ASP sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ; mô hình sử dụng nước xả từ công trình khí sinh học để tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó công tác truyền thông cho dự án được quan tâm thực hiện với các phóng sự truyền hình, phát thanh, các bài viết trên báo in của tỉnh.
Qua 6 năm hoạt động, dự án đã góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp thông qua thúc đẩy sử dụng năng lượng khí sinh học sạch và phân bón hữu cơ. Qua đó phổ biến kiến thức và kỹ năng về công nghệ quản lý toàn diện chất thải nông nghiệp cho người nông dân và cộng đồng.
Đánh giá chung, dự án LCASP đã đem lại nhiều giá trị cho ngành nông nghiệp Bến Tre. Những kết quả đạt được không chỉ là thay đổi nhận thức, thực hành các mô hình nông nghiệp các bon thấp mà còn giúp tạo thêm sinh kế cho nông dân từ chính những mô hình này, góp phần chia sẻ khó khăn về kinh tế trong người nông dân trước những tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, biến động thị trường...
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc dự án - Nguyễn Thế Nghĩa đề xuất: Sau khi dự án kết thúc, người nông dân cũng như chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình, đồng thời tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xây dựng các công trình khí sinh học và tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp.
Tin, ảnh: Thanh Đồng