Triển khai các biện pháp trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển

28/05/2021 - 06:40

BDK - Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc rừng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú bị sạt lở. Ảnh: Ph.Nhân

Một góc rừng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú bị sạt lở. Ảnh: Ph.Nhân

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, tỉnh sẽ tập trung rà soát lại đất đai để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp cho phù hợp với tiêu chí của 3 loại rừng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với những phần diện tích có khả năng phát triển rừng, tỉnh sẽ tập trung trồng bằng nhiều nguồn như: ngân sách, vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Việc này đang được tỉnh thực hiện khá tốt và kết hợp với triển khai thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng phương án giao khoán ổn định, lâu dài cho nhân dân quản lý sử dụng.

Bên cạnh đó, tỉnh quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tỉnh sẽ lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án sinh kế, phát triển nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân nông thôn trong tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đã đưa vào quy hoạch 8.840ha đất rừng ngập mặn. Trong đó, đất có rừng khoảng 4.368ha, tập trung tại các xã thuộc ba huyện ven biển gồm: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn với loài cây phổ biến là bần, mắm, cây có giá trị kinh tế thấp và đa phần là rừng trồng. Tuy nhiên, với đặc điểm ven biển, rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, để khuyến khích người dân tham gia trồng, quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất, tỉnh đã thực hiện giao khoán cho 520 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng diện tích là 3.364ha. Theo chính sách này, người dân địa phương sẽ được trả chi phí bảo vệ rừng và được hưởng toàn bộ thành quả nuôi trồng thủy sản kết hợp dưới tán rừng trên diện tích được giao khoán và sản phẩm tỉa thưa, khai thác khi rừng đến tuổi.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hàng năm có tăng nhưng không nhiều. Rừng trồng, rừng tự nhiên có năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân do quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng chưa sát thực tế. Diện tích đất quy hoạch trồng, phát triển rừng của tỉnh chủ yếu là các bãi bồi ven biển. Do tác động của sóng biển, dòng chảy làm hạn chế sự bồi tụ của đất hoặc gây xói lở nên không thể trồng rừng được. Mặt khác, xói lở còn gây thiệt hại, giảm diện tích rừng hiện có của tỉnh. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong vòng 10 năm (2011 - 2020), xâm thực bờ biển tại tỉnh làm thiệt hại 260ha rừng ngập mặn.

Phúc Nhân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN