 |
Đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng trồng cây xanh. Ảnh: Sơn Tùng |
Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ có vai trò, chức năng lớn trong việc bảo vệ môi trường và chống lại các tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, huyện Bình Đại đã không ngừng đẩy mạnh công tác bảo vệ và tái sinh rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên, phục vụ lợi ích chính đáng cho con người. Việc bảo vệ và trồng mới rừng là một hành động thiết thực trong phòng chống biến đổi khí hậu (BĐKH).
Huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng
trong quần chúng nhân dân về pháp luật bảo vệ rừng, các kiến thức về lợi ích
của việc trồng rừng đối với đời sống của con người; phát động, kêu gọi người
dân tích cực bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng, chủ động ứng phó với sự BĐKH.
Lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng vào chương
trình giáo dục, sinh hoạt tập thể tại các trường học nhằm nâng cao nhận thức, dần hình thành ý thức chủ
động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bình Đại có 1.345ha rừng tập trung tại 4 xã: Bình Thắng,
Thạnh Phước, Thừa Đức và Thới Thuận. Trong đó, Thừa Đức và Thới Thuận có diện
tích trồng rừng 1.106 ha, chiếm 82,2% diện tích rừng toàn huyện. Hàng năm, lực
lượng đoàn viên, thanh niên, quần chúng nhân dân tổ chức trồng mới 2ha rừng
ngập mặn và trồng hàng trăm cây xanh ven đường nông thôn, đường phố.
Theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bình Đại giai
đoạn 2012- 2020, huyện tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có theo hướng nâng
cao hiệu quả của rừng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên
tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác lập ranh giới, đóng mốc, lập hồ sơ,
quản lý từng lô rừng. Dự kiến, huyện sẽ xây dựng 122 mốc ranh giới và 5 bản
ranh giới đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre
trên địa bàn huyện.
Đồng thời, huyện tiến hành trồng rừng mới tập trung trên 205ha.
Trong đó, trồng rừng trên đất trống là 103,9ha, trồng rừng trên bải cát là
44,2ha và trồng rừng trên đất mới bồi tụ 69,7ha. Trồng rừng lại sau khai thác
387,6ha. Hàng năm, huyện tổ chức trồng trên 35 ngàn cây phân tán; chặt nuôi
dưỡng và tỉa thưa rừng 51,3ha. Khai thác rừng hợp lý với đối tượng khai thác là
rừng đước đến tuổi khai thác và dừa lá nằm trong phạm vi rừng phòng hộ, rừng
sản xuất trên diện tích 387ha. Sản xuất lâm ngư kết hợp trên 100ha và phát
triển du lịch sinh thái với diện tích là 150ha.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ bảo vệ,
phát triển rừng như: xây dựng 2 trạm bảo vệ rừng tại xã Thừa Đức và Thới Thuận
và bổ sung trang bị trang thiết bị cần thiết trong bảo vệ rừng; chú trọng công
tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận
thức cho cộng đồng dân cư về pháp luật bảo vệ rừng, các giá trị của tài nguyên
rừng và về môi trường; tiếp tục rà soát và thực hiện công tác giao đất rừng; xây
dựng các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; quy hoạch bảo vệ, phát
triển rừng giai đoạn 2012-2020 của huyện với tổng vốn đầu tư hơn 25,1 tỷ đồng.
Các cấp lãnh đạo huyện, cũng xác định rõ trách nhiệm thực
hiện quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2012-2020 gắn với các nhiệm vụ
xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại từng địa
phương. Các dự án lâm nghiệp phải lồng ghép với dự án giảm nghèo, phát triển
nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Như vậy, với tầm quan trọng của rừng phòng hộ, rừng ngập mặn trong xu thế BĐKH và nước biển
dâng như hiện nay và trong tương lai, việc bảo vệ và tái sinh rừng ngập mặn, rừng phòng hộ là
hành động mang tầm ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái,
bảo tồn sự đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường, giảm nghèo, nâng cao
mức sống cho người dân lâm nghiệp.