Tham quan quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (xã Giao Long, huyện Châu Thành).
Hướng đến chế biến sâu
Theo kết quả điều tra của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cả nước có 854 cơ sở sản xuất, chế biến dừa, với tổng công suất thiết kế 7.088 tấn/ngày, công suất thực tế 5.355 tấn/ngày. Những tỉnh tập trung các nhà máy chế biến là Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Trong đó, Bến Tre là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến dừa nhất đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp (DN) chế biến dừa, 480 cơ sở sơ chế, chế biến trái dừa.
Các DN đang tập trung phát triển ngành công nghiệp dừa theo hướng chế biến sâu. Hiện có các nhóm sản phẩm được phân loại theo thành phần của dừa như: sản phẩm từ vỏ dừa, gáo dừa, sản phẩm từ cơm dừa, sản phẩm từ nước dừa, sản phẩm từ than gáo dừa, gỗ dừa.
Chỉ riêng vỏ dừa qua chế biến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đa công dụng, có giá trị phục vụ cho đời sống xã hội và có tiềm năng xuất khẩu rất lớn như chỉ xơ dừa, lưới, thảm, nệm xơ dừa, thảm lưới bằng chỉ xơ dừa. Các sản phẩm chế biến từ gáo dừa như hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc tận dụng các sản phẩm mới từ phế, phụ phẩm bị thải bỏ như mụn than trở thành nguyên liệu để sản xuất sản phẩm than cám.
Nổi bật là nhóm sản phẩm từ cơm dừa đang được các DN tập trung khai thác và đầu tư phát triển công nghệ theo hướng chế biến sâu. Từ cơm dừa tươi qua chế biến tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, dầu dừa, sữa dừa, nước cốt dừa. Thậm chí, cơm dừa khi đã vắt hết nước cốt còn có thể được chế biến trở thành bánh dừa thơm ngon, ít béo và giàu dinh dưỡng nhờ ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm.
Ngày nay, trên thị trường thế giới, sữa dừa càng được ưa chuộng. Sữa dừa được chế biến kết hợp nước cốt dừa và nước dừa, đây cũng là nguyên liệu quan trọng tiếp tục phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm. Nắm bắt được nhu cầu đó, DN ngành dừa không ngừng sáng tạo chế biến nhiều mặt hàng sữa dừa, với đa dạng mẫu mã để phục vụ xuất khẩu.
Chủ tịch Hội DN tỉnh Trần Văn Đức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa (BEINCO), huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Hiện nay, Thái Lan và Indonesia là hai nước sản xuất và xuất khẩu sữa dừa lớn nhất thế giới (trên 50% sản lượng sản xuất ra dành cho xuất khẩu). Đối với ngành công nghiệp dừa, Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng từ sữa dừa. Cùng với đó, nước cốt dừa, hay dầu dừa với quy trình công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt, gia nhiệt, đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mang tính đột phá, giá trị kinh tế cao. Tất cả những sản phẩm này đều mang giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao hiệu quả của cây dừa và giá trị trái dừa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.
“Qua giá trị của từng sản phẩm đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái. Sản phẩm bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy. Sản phẩm sữa dừa có giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy. Sản phẩm kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy. Sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô, chỉ xơ dừa cứng (có tẩm keo) có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,4 lần chỉ xơ thô, chỉ xơ đơn và đôi có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,8 lần chỉ xơ thô, dây thừng từ dừa có giá trị xuất khẩu cao gấp 4 lần chỉ xơ dừa thô, xơ dừa phun cao su có giá trị xuất khẩu cao gấp 10 lần chỉ xơ dừa thô, nước dừa đóng hộp có giá trị xuất khẩu cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống (nước dừa khô)”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa (BEINCO) Trần Văn Đức so sánh.
Kỳ vọng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD
Qua thống kê của Sở Công Thương, kết quả giá trị ngành sản xuất, chế biến dừa năm 2022 ước đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 14,06% so với cùng kỳ, chiếm 10% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ngành dừa trên 420 triệu USD, tăng 17,34% so với cùng kỳ 2021, chiếm 27,82% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, chiếm tỷ trọng 17,3% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23,6%/năm và chiếm 38,5% kim ngạch xuất khẩu. Mục tiêu của tỉnh là kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được điều này, thời gian tới, tỉnh nêu ra giải pháp là thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương.
Mới đây, trong cuộc làm việc tại tỉnh do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp chủ trì, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định: Ngành dừa sẽ duy trì năng lực chế biến, xuất khẩu và đưa kim ngạch đạt khoảng 940 - 950 triệu USD trong năm 2023. Với đà tăng trưởng hiện nay trên thị trường nội địa và toàn cầu, VCA dự kiến trong 2 năm tới, chắc chắn ngành dừa sẽ vượt mốc 1 tỷ USD xuất khẩu.
VCA khẳng định, ngành dừa Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi cho phát triển, Chính phủ cần tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm dừa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây dừa vào Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.
Cục Xúc tiến thương mại phía Nam thuộc Bộ Công Thương đánh giá: Với dư địa còn rất lớn, ngành dừa hoàn toàn có khả năng gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD trong tương lai gần. Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành dừa đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10%/năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như: kem dừa tăng 36%, nước dừa tăng 25%, dầu dừa tinh khiết tăng 21%, sữa dừa tăng 15%... Nguyên nhân do người tiêu dùng thế giới có xu hướng tăng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Do đó, ngành dừa cần nắm bắt cơ hội từ việc nâng cao khả năng cạnh tranh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Việt Nam đang có lợi thế so sánh rất tốt để phát triển ngành dừa, giúp tạo ra nguồn lực kinh tế dồi dào và việc làm cho khu vực nông thôn, đa dạng hóa thu nhập và ổn định sinh kế cho một bộ phận lớn cư dân nông thôn. Ngành công nghiệp dừa được xác định là rất quan trọng đối với Bến Tre nói riêng và các vùng trọng điểm trồng dừa trong cả nước nói chung. Do đó, cần sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền địa phương, tổ chức tài chính, doanh nghiệp, các bộ, ngành, Chính phủ cùng thúc đẩy cho ngành dừa Việt Nam phát triển ra thế giới. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc