Trước 3 giờ chiều…

11/06/2010 - 08:27
Bác Ba Lê Thị Thân 79 tuổi, hàng ngày vẫn đi bán vé số. Ảnh: P.L.H.H

Thứ ba tuần rồi, tôi ngồi uống cà phê ở một quán bên hồ Trúc Giang.  Lúc gần 3 giờ chiều, chỉ trong chưa đầy 10 phút đồng hồ, vậy mà đã có hơn 10 người mời tôi mua vé số.

Những người bán vé số vừa tất tả tới quán đủ lứa tuổi, từ cụ già tuổi ngoài 70 đến các phụ nữ, thiếu niên 13, 14 tuổi. Sắp 3 giờ chiều rồi thế nên gương mặt, động tác của người bán vé số nào cũng thật khẩn trương. Giải thích về thời điểm khẩn trương này, một bà cụ bán vé số có tật một chân, nói với tôi bằng giọng gấp gáp: “Vé số Đài Bến Tre xổ ngày thứ ba hằng tuần, nếu bán không hết thì được trả lại cho đại lý, nhưng phải trả trước lúc 3 giờ chiều. Còn đài của các tỉnh, thành khác, phải sớm hơn nữa, được trả lại cho đại lý lúc trước 11 giờ. Không trả, tức chấp nhận… ôm.”
Bà cụ rời quán cà phê. Tôi đoán chắc là tâm trí của bà chưa yên ổn lắm đâu vì tôi chỉ mua giúp bà một vé, trên tay bà còn hơn 10 vé. Lại nghĩ tiếp: Bán 100 tờ vé số loại vé 10.000 đồng, sẽ hưởng được tiền huê hồng là 110.000 đồng. Song, cứ chiều chiều, sắp đến giờ xổ số, thì những người bán vé số lại phải sống trong căng thẳng. Và sự căng thẳng ấy là điều gần như triền miên ở họ…
Bà Lê Thị Thân, 79 tuổi, hiện sống ở khóm 3, phường 7, TP Bến Tre vẫn hàng ngày đi bán vé số. Bà sống một mình trên phần đất của người em, ngôi nhà nhỏ của bà được lợp lên từ những tấm tôn nhà tình thương do phường 7 tặng trước đây. Mỗi ngày, từ phường 7, bà chống gậy đi sâu vào nhiều con hẻm ở phường 5, rao, bán từng tờ vé số, mỗi ngày bà được tiền huê hồng đúng 44.000 đồng. Bà Thân không căng thẳng như những người bán vé số mà tôi đã gặp ở quán cà phê, vì theo bà giải thích, bà già rồi, đi bán phải chống gậy, nên làm sao… chạy bằng đám trẻ, không khéo, vé số bán không hết, “ôm” thì chết. Bà tiếp lời: “Trước đây, hàng ngày, tôi bán 50-60 vé, nhưng giờ chỉ còn 40 vé thôi. Tôi bán từ chiều hôm trước cho đến 9-10 giờ sáng hôm sau là xong, không dám lấy thêm nữa”. Bà bán vé số xong, đêm lại ở một mình trong căn nhà nhỏ, không chồng, không con, không cháu. Nguồn thu nhập chính của bà bấy lâu chỉ biết trông cậy vào đi bán vé số. Thêm vài năm nữa, tuổi bà sẽ ngoài 80. Lúc đó, đường đi và về của những ngày bán vé số của bà chắc sẽ dài và xa hơn. Không biết rồi bà có còn đủ sức chống gậy để đi hết cuộc hành trình mưu sinh?
Với những phụ nữ xinh đẹp đi bán vé số, ta cũng khó nhận ra. Các cô ăn mặc lịch sự, bỏ xấp vé số trong cái bóp đầm rồi phóng xe máy vù vù đến siêu thị, nhà hàng. Đến Siêu thị Co.op Mart chẳng hạn, các cô gởi xe như những người đi mua hàng rồi ung dung vào siêu thị… hoạt động, vì nơi đây, ông già bà già chống gậy đi bán vé số ai mà cho vô. Với cách bán vé số này, người bán lẫn cách bán đã nâng cao kỹ năng và cả nghệ thuật; các cô ấy có lợi thế hơn nhiều so với các chị em khác không có điều kiện như mình (sắc đẹp lẫn vốn liếng). Có cô mang theo trong mình nhiều triệu đồng để nhanh chóng đổi tiền cho người trúng vé số. Đổi vé số trúng xong, chắc chắn khách hàng sẽ mua lại cho cô ít gì cũng một tấm... Tất nhiên, có những nơi, người ta không cho vào bán vé số, dù biết rằng nhiều công trình phúc lợi xã hội có được là một phần cũng nhờ từ những tờ vé số kia. Những tờ vé số mà lúc đài sắp xổ mang theo nhiều tâm trạng: tất tả, khẩn trương, căng thẳng và vui buồn lẫn lộn.

Phan Lữ Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN