Học sinh Trường THCS Võ Văn Lân giờ tan học. Ảnh: P. Tuyết
Rèn ngay khi trở thành học sinh của trường
Tôi đến Trường THCS Võ Văn Lân vào buổi trưa. Những giọt mưa vừa dứt, cái hanh khô của xã biển Thạnh Phước, huyện Bình Đại lại ùa vào làm cho tiết trời khá ôi bức. Chưa đến giờ học buổi chiều nên chưa có đội cờ đỏ. Thế nhưng, các em học sinh ở đây không dám vi phạm nội quy đã cam kết về ứng xử văn hóa giao thông.
“Dù không có ai nhưng nếu vi phạm là bị phát hiện ngay, bị ghi vào sổ. Có bạn còn bị nêu tên đứng dưới cờ, quê và xấu hổ lắm cô ơi” - em Xuân Nghi, học sinh lớp 7 của trường chia sẻ.
Xuân Nghi kể: “Có lần tan trường vì việc gấp, em tranh thủ qua mặt bạn. Bánh xe em qua nữa bánh xe sau của bạn, đột nhiên có xe ngược chiều tới, em dừng lại. Vậy nhưng không biết các bạn nằm trong đội “ống kính xanh” ở đâu phát hiện được ghi em vi phạm, “buồn ghê”. Chỉ là vô ý thôi nhưng đó là điều em thấy mình cần rút kinh nghiệm. Qua đó, em cũng nhắc các bạn cố gắng thực hiện đúng nội quy của trường, lớp dù trong hay ngoài giờ học.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hồng - giáo viên Tổng phụ trách Đội, xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật. Coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức, là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông.
“Chúng ta không còn lạ khi hàng ngày bắt gặp hình ảnh các em học sinh cả THCS, THPT sử dụng xe gắn máy, thiếu an toàn, thậm chí thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Các em không đội mũ bảo hiểm hay đội thì không cài quai, chạy hàng hai, hàng ba… Cách hành xử của các em khi tham gia giao thông trên đường càng làm cho chúng ta suy nghĩ” - cô Thu Hồng tâm tư.
Với ý tưởng ấy, vài năm trở lại đây, Trường THCS Võ Văn Lân đã xây dựng mô hình “văn hóa giao thông” cho học sinh. Mô hình này giúp học sinh hiểu biết đầy đủ, ý thức tự giác, hành động đúng theo các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các em có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông bằng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cách làm hiệu quả
Thành viên của đội “ống kính xanh”, với biệt danh Z1 (Phan Ngọc Như Quỳnh - học sinh lớp 9 năm học 2018-2019), cho rằng: “Ban đầu các bạn thực hiện chưa nghiêm khi đi học, ra ngoài hay những ngày nghỉ. Sau nhiều lần “được ghi”, bị giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu mời có khi bị phạt, các bạn không còn tâm lý “ỷ y” nữa. “Tụi em ghi công tâm, từng lỗi một như: không cài quai nón, dẫn xe hàng hai khi ra về, chạy xe không đội mũ bảo hiểm, chạy xe dàn hàng ngang … chính xác từ ngày, giờ kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, chỉ cần là học sinh của trường tham gia giao thông vi phạm sẽ bị phát hiện ngay” - Z1 cho biết.
Chia sẻ cách làm, thầy Nguyễn Thanh Nhu nói: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an huyện Bình Đại tuyên truyền về an toàn giao thông để học sinh nắm, các em ký cam kết. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh họp đầu năm triển khai cho phụ huynh nắm và ký cam kết với nhà trường. Liên đội trường xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua, thành lập đội ống kính xanh" để các em ghi nhận những trường hợp học sinh vi phạm.
Học sinh nằm trong đội ống kính xanh là những bạn ngoan, ít vi phạm nội quy nhà trường, được lớp tín nhiệm. Đặc biệt, các em được bảo mật chỉ có hiệu trưởng, giáo viên Tổng phụ trách mới biết mật mã của những em này.
Thầy Thanh Nhu cho rằng: “Làm thế các bạn không biết ai ghi nhận ai, tránh trả thù cá nhân, có khi bênh con phụ huynh còn ham dọa đánh những em ghi nhận lỗi sai của con họ”.
Các em ghi nhận cụ thể từng trường hợp vi phạm và phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhận của mình. Thứ Sáu hàng tuần, họp đội tổng hợp vi phạm của các bạn dán tại phòng giáo viên. Giáo viên Tổng phụ trách Đội thường xuyên tham gia các buổi họp của đội, khen thưởng những em làm tốt, rút kinh nghiệm những em chưa làm tốt. Khen thưởng sẽ tạo được động lực để các em hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm xử lý những em học sinh vi phạm của lớp mình, mời phụ huynh vào trao đổi hoặc báo qua điện thoại nếu lỗi nhỏ. Song song đó, giáo viên trực sẽ tổng kết điểm thi đua và trừ điểm lớp có học sinh vi phạm. Giờ sinh hoạt dưới cờ sáng thứ Hai hàng tuần, ban giám hiệu tiếp tục xử lý. Với những em học sinh vi phạm lỗi nặng sẽ viết kiểm điểm hay mời phụ huynh giải quyết.
“Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Chưa phải là tuyệt đối nhưng trường chúng tôi nhiều năm qua đã làm được điều đó, các em có ý thức khi tham gia giao thông không chỉ trong mà cả ngoài nhà trường” - Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Nhu nhận định.
P. Tuyết