Trần Thanh H., học sinh lớp 8 Trường THCS Phú Hưng thổ lộ: “… Em học yếu môn Toán lắm. Làm nhiều cách theo gợi ý của thầy, nhưng em vẫn không sao tập trung cho bài học được, phần thì bài khó, phần thì em không có đủ tự tin để theo dõi bài cặn kẽ như lời dạy của cô…”. H. là một học sinh khá thông minh, theo nhận xét của giáo viên chủ nhiệm, em hiểu vấn đề nhanh nhưng thường xuyên lơ đãng trong giờ học nên kết quả không ổn định. Em tự nhận mình học yếu Toán là vì “sự cố” lo ra, mất tập trung, dẫn đến những bài toán chỉ đạt 5 - 6 điểm, vì gấp gáp, vội vã ghi nhầm kết quả!
Từ chuyến đi nêu trên, qua tham khảo ý kiến nhiều thầy cô giáo, chúng tôi rút ra kết luận ban đầu: Hiện tượng lo ra trong giờ học không phải là cá biệt. Em Thùy T. - học sinh lớp 7 Trường THCS TP. Bến Tre nói rất hồn nhiên: “… Có những lúc, ngồi trong lớp, dù em đã cố tập trung vào bài, mắt em chăm chăm nhìn cô giáo, nhưng trong đầu lại nghĩ ngợi về giờ tan học mình phải làm cách nào để khỏi bị đi chậm lại phía sau, về đến nhà muộn chắc chắn sẽ bị cha mẹ rầy la...”.
Không chỉ có chuyện mất tập trung trong giờ học ở học sinh phổ thông, ngay sinh viên một trường cao đẳng của tỉnh cũng có vấn đề trong việc giải quyết những khó khăn về tinh thần khi ngồi trên ghế giảng đường… Chúng tôi rất bức xúc khi hay tin không chỉ có một mà đến vài em sinh viên ngành Tiếng Anh vào học tuần đầu tiên, ngay sau một, hai buổi học đã lên gặp Phòng Công tác học sinh, sinh viên xin rút hồ sơ với lý do: “… em thấy học khó quá, không thể học nổi”!
* Nhìn ra tỉnh bạn
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đưa ra tại hội thảo Tập trung trí tuệ, nắm bắt tương lai, chỉ có 8% học sinh, sinh viên khẳng định chuyên tâm vào bài học, còn lại “khó khăn với vấn đề tập trung nghe giảng”. Thạc sĩ Lê Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, Viện Nghiên cứu Giáo dục) cho biết, học sinh, sinh viên mất tập trung 15-20 phút trong mỗi tiết học là hiện tượng rất phổ biến.
Theo Thạc sĩ Nguyên, môi trường học tập, cấu trúc chương trình học nhàm chán và sự thiếu ý thức, ít hứng thú, không có phương pháp nghe giảng phù hợp của học sinh, sinh viên là những nguyên nhân gây nên sự thiếu tập trung trong lớp. “Phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo của giáo viên cũng là nguyên nhân khiến các em chán nản, thiếu hứng thú học tập”. Ý kiến của Thạc sĩ Nguyên nhận được sự đồng tình của không ít đại biểu ngành giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh. Các đại biểu còn chỉ rõ: không gian lớp học, hệ thống âm thanh, trang thiết bị học tập, việc phân bổ kiến thức, giờ học chưa hợp lý, tình trạng thiếu ngủ, stress, mệt mỏi... đều dẫn đến sự mất tập trung của học sinh, sinh viên.
* Mất tập trung khi học, dễ mất cơ hội thành công
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo thống nhất, hiện tượng xao nhãng trong giờ học khiến học sinh, sinh viên khó nắm vững kiến thức, dẫn đến ít chủ động và thiếu tự tin. Các em sẽ khó khăn trong việc thể hiện bản thân, tăng mức độ stress và thành tích học tập giảm, dễ đánh mất nhiều cơ hội thành công trong tương lai.
Để hạn chế tình trạng trên, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành giáo dục thành phố đang thực hiện một loạt biện pháp nhằm phát triển sự tập trung, tạo hứng thú cho học sinh từng cấp trong giờ học. “Đơn cử như chương trình mầm non, chúng tôi thiết kế những bài tập giữ thăng bằng, leo thang, bò trườn, ném trúng đích theo phương đứng hoặc nằm ngang... nhằm rèn luyện khả năng tập trung của các cháu từ nhỏ” - ông Chương nói.
Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc rèn luyện phương pháp tập trung, tạo sự chú ý cho người học phải phù hợp với đặc thù lứa tuổi. Học sinh, sinh viên phải tiếp cận nhiều môn học với lượng kiến thức khá lớn trong một ngày, nên giáo viên cần có phương pháp dạy đa dạng, giúp các em tập trung cao nhất vào mỗi bài giảng.
Để giúp người học phát triển kỹ năng tập trung cần có giải pháp lâu dài và sự kiên trì cần thiết. Chúng tôi thống nhất với nhận định của Thạc sĩ Lê Nguyễn Trung Nguyên: “Học sinh, sinh viên nên rèn luyện trí não thông qua hoạt động thể thao, các bài tập giữ thăng bằng. Nhà trường nên hướng dẫn các em kỹ năng nghe, ghi chép, đọc tài liệu, tìm kiếm, quản lý và sử dụng thông tin hiệu quả. Phòng học đúng chuẩn về diện tích, âm thanh, ánh sáng, thiết bị học tập cũng giúp các em không bị phân tâm”.