Vú sữa Mica không mủ trồng tại vườn nhà chị Bùi Ngọc Lan.
Nếm thử vú sữa Mica
Anh Nguyễn Hoàng Lô và chị Bùi Ngọc Lan, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách là chủ nhân cây đầu dòng vú sữa Mica. Anh Nguyễn Hoàng Lô kể: Cách đây hơn chục năm, tôi trồng một cây vú sữa tím lấy trái ăn. Cây trồng cho trái rất ngon. Khi chín, vỏ trái không có mủ nên ăn được cả vỏ. Sẵn có nghề sản xuất cây giống, tôi đã nhân ra mấy nhánh trồng thêm. Trong suy nghĩ của người dân vùng Chợ Lách, vú sữa không phải là loại cây trồng đại trà, mang lại hiệu quả kinh tế, vú sữa chỉ là loại cây trồng ăn chơi trong nhà.
Nào ngờ, cây vú sữa tím được trồng đầu tiên ấy, thân bị tét làm đôi và cây chết. “Cây vú sữa mẹ đầu tiên có tán rộng, thân cây thấp, mang khoảng 350 trái. Có trái to, cân nặng từ 700 - 800gr, vì không chống đỡ cành nổi nên thân cây bị tét làm đôi”, chị Ngọc Lan nhớ lại. Cũng may, anh Hoàng Lô đã nhân giống ra được nhiều cây vú sữa tím này trồng trong vườn. Vườn vú sữa đã hơn 8 năm tuổi.
Năm 2019, trong một lần dự tập huấn tay nghề sản xuất cây giống ở xã, chị Lan nghe phổ biến thông tin về chứng nhận cây đầu dòng. Chị nghĩ đến cây vú sữa lạ trong vườn nhà. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khuyên chị nên đi chứng nhận cây đầu dòng. Khi làm hồ sơ, theo lời đề nghị của vợ chồng anh Lô, cây vú sữa lạ được Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách đặt tên là Mica. “Trái vú sữa lạ mà chị Lan và anh Lô đưa tôi ăn thử thịt giòn, ngon, có màu tím đậm rất đẹp. Nó khác vú sữa bình thường. Thay vì phải nắn vỏ cho mềm trái mới ăn thì vú sữa này ăn được cả vỏ. Tôi đã đặt tên cho nó là Mica, viết tắt của chữ Milk Fruit of Cái Mơn, nghĩa là vú sữa của xứ sở Cái Mơn” - Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho hay.
Vú sữa Mica không mủ, trồng 1 năm đã cho trái chiến. Mỗi năm cây cho một đợt trái. Cây 2 năm tuổi sẽ cho khoảng 40 - 50 trái, 3 năm tuổi cho 100 trái trở lên. Cây trồng dễ dàng ở vùng đất thịt và cả đất sét, trừ đất cát. Mỗi năm, anh Lô chỉ bón cho cây khoảng 3 đợt phân hữu cơ, không phun xịt thuốc. Chị Lan nói: “Tháng 2 âm lịch cây bắt đầu ra hoa, hoa rụng nhiều đợt, khoảng tháng 10 âm lịch thì đậu trái, 3 tháng sau trái chín. Trái vừa lớn vừa chín, khi trái đủ to thì cũng là lúc chín hẳn. Trái vú sữa chín có màu tím thẫm toàn bộ trái, da có đốm bông màu vàng. Loại cây này không quá mẫn cảm với nước mặn”.
Vú sữa Mica chỉ sợ ruồi vàng chích làm hư trái. Anh Lô cho hay, khi trái lớn, anh Lô phải bao trái. Cây vú sữa Mica không phát triển theo chiều cao như vú sữa khác mà rất thấp, tán rộng nên bao trái dễ dàng. Vú sữa Mica có lá hình bầu dục, đuôi lá tròn, không nhọn như lá vú sữa tím.
Lợi ích cây đầu dòng
Tổ thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định trái vú sữa Mica không mủ, với kết quả 8/8 tiêu chí đều đạt gồm: khối lượng trái trung bình 423g, độ đồng đều trái đạt 75%, đường kính lõi 1,06cm, dày vỏ trái 1,1cm, cấu trúc thịt trái dai, mềm, nhiều nước, hương vị ngọt, thơm, số hạt 4,2 hạt/trái, độ ngọt 14,4%. Vú sữa Mica đã đạt các yêu cầu công nhận cây đầu dòng.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo tôi, đây là một giống vú sữa đột biến, rất ngon. Khi chín, trái vú sữa Mica không mủ, có màu tím hoàn toàn nguyên trái. Lúc này, vỏ trái không còn mủ, khi chưa chín trái có màu xanh”.
Thời gian chứng nhận cây đầu dòng vú sữa Mica chỉ mất một tháng để làm hồ sơ. Đầu năm 2020, vú sữa Mica không mủ là cây đầu dòng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chứng nhận theo quy trình mới của Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Nói về lợi ích khi có chứng nhận cây đầu dòng, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: Theo Luật Trồng trọt mới, giấy chứng nhận cây đầu dòng có giá trị vĩnh viễn, trừ khi cây bị sâu bệnh hoặc chết. Cây đầu dòng là cây tốt nhất trong quần thể của một giống cây trồng. Cây đầu dòng khi được công nhận thì trở thành tài sản quốc gia. Cá nhân (chủ hộ) được giao quản lý, chăm sóc và khai thác cây đầu dòng. Trong quá trình chăm sóc, nếu chủ hộ gặp khó khăn như cây bị sâu bệnh thì báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tháng 6-2020, ngành nông nghiệp sẽ ra quân kiểm tra các cây đầu dòng trên toàn tỉnh về: tình hình sinh trưởng, phát triển của cây, ghi chép sổ sách (của chủ hộ) theo dõi cây, quá trình sản xuất, nhân giống cây đầu dòng; đồng thời kiểm tra thẻ đeo của cây… |
Bài, ảnh: Thạch Thảo