Đây là mô hình đầu tiên của Hiệp hội trong lĩnh vực hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tại Bến Tre. Trước đó, từ năm 1999 đến nay, thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệp hội đã hỗ trợ 7 tỷ đồng cho các hoạt động: tặng học bổng; xây dựng trường mẫu giáo, trạm y tế; hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho dân tại các xã nghèo.
Tân Bình (Mỏ Cày Bắc) được chọn làm điểm về công tác giảm nghèo của 3 ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Hội Nông dân tỉnh. Năm 2006, toàn xã có 2.024 hộ dân, với 8.676 nhân khẩu, trong đó có 458 hộ nghèo (tỷ lệ 23,17 %). Thu nhập phần lớn của hộ dân là sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Để giúp hộ nghèo của xã có điều kiện sản xuất, tận dụng triệt để các phụ phẩm nông nghiệp và khai thác những tiềm năng sẵn có, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phân bổ nguồn vốn vận động xã hội hóa của Hiệp hội Christina Noble Children’s hỗ trợ đầu tư cho xã, với tổng số tiền trị giá 200 triệu đồng.
Toàn xã có 33 hộ được hỗ trợ đầu tư. Mô hình được thực hiện trong 3 năm, nguồn vốn hỗ trợ được ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội, với lãi suất cho vay ưu đãi. Ban chỉ đạo giảm nghèo xã (BCĐ) tổ chức họp để lập Tổ quản lý dự án, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Hội Nông dân xã được BCĐ phân công trực tiếp giám sát, nhắc nhở các tổ trưởng kiểm tra người nghèo thực hiện tốt việc sử dụng vốn đúng mục đích; kịp thời báo cáo BCĐ tình hình tiến triển của dự án và đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục khó khăn vướng mắc. Các tổ trưởng, trưởng ấp, Chi hội nông dân ấp thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình sản xuất của các hộ trong dự án, đôn đốc và hỗ trợ các hộ thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh, chăm sóc vật nuôi; báo cáo định kỳ cho BCĐ. Bằng cách sinh hoạt lồng ghép, Câu lạc bộ giảm nghèo xã (CLB) đã quản lý chặt chẽ hoạt động của dự án. Bên cạnh đó, để giúp người nghèo có kiến thức cơ bản về chăm sóc vật nuôi, giúp cán bộ quản lý có điều kiện hỗ trợ người nghèo, UBND xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn tham quan một số mô hình chăn nuôi cho các hộ nghèo và một số cán bộ trong tổ quản lý trước khi giải ngân vốn. CLB thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh đến các hộ tham gia dự án, giúp các hộ này chủ động phòng ngừa, chăn nuôi đạt hiệu quả.
Từ nguồn vốn đầu tư ban đầu, qua 3 năm thực hiện, mô hình đã thu lại tổng số tiền trị giá 325 triệu đồng. Sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, mô hình thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, tạo điều kiện cho 33 hộ nghèo tham gia sản xuất, giải quyết lao động nhàn rỗi, góp phần nâng cao thu nhập. Trong đó, có 10 hộ thoát nghèo bền vững, 8 hộ từ nghèo chuyển sang cận nghèo. Các hộ còn lại có mức sống tương đối ổn định. Song song với việc thực hiện mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư các dự án nuôi cá, trồng cây có múi, phát triển các loại hình đan lát, thủ công mỹ nghệ. Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, huyện đã tập trung nguồn vốn để xây dựng nhiều dự án, hỗ trợ người nghèo của xã phát triển sản xuất. Từ 458 hộ nghèo năm 2006, đến nay toàn xã còn 267 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm từ 23,17% xuống còn 12,38%.
Mô hình được triển khai đã tác động tích cực về mặt nhận thức đối với những hộ tham gia dự án, chính quyền, đoàn thể và cả cộng đồng về công tác giảm nghèo. Mô hình giúp các hộ nghèo nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tự phấn đấu vượt khó để thoát nghèo; nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn kết, từ đó, người dân có sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ nhau để cùng vươn lên khá giả. BCĐ có kinh nghiệm trong việc quản lý và hỗ trợ vốn cho người nghèo tham gia sản xuất. Chính quyền, đoàn thể địa phương có sự gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện sống của người nghèo, để có giải pháp hỗ trợ người nghèo hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, BCĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp người nghèo nhận thức rõ về công tác giảm nghèo và cố gắng vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.