Xây dựng các xã vừa đạt mục tiêu Dự án, vừa hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

02/10/2012 - 15:52

Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) là giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn tỉnh Bến Tre.

Để đạt mục tiêu này, Dự án tập trung hỗ trợ nhiều hoạt động khác nhau cho tỉnh, trong đó nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm. Hỗ trợ phát triển nông thôn mới (NTM) cũng nằm trong tổng thể các hoạt động hỗ trợ của Dự án. Về nội dung này, ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc DBRP Bến Tre cho biết:

- Trong quá trình thực hiện, nhất là từ nay đến năm 2014, Dự án sẽ bám sát các tiêu chí của Chương trình NTM để các xã thụ hưởng vừa đạt mục tiêu Dự án, vừa có thể hoàn thành các tiêu chí của NTM. Dự án sẽ triển khai các hoạt động cơ bản: hỗ trợ nâng cao năng lực cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, các cấp điều phối chương trình NTM từ tỉnh đến huyện và xã; hỗ trợ các hoạt động xây dựng mô hình tạo thu nhập, phát triển sản xuất kinh doanh ở cấp xã, tài trợ vốn cho các xã cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn theo chuẩn NTM và giúp các xã có được một hệ thống theo dõi, đánh giá các tiêu chí đã được xác lập.

* Có 5/50 xã Dự án có tên trong danh sách 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Vậy điểm nhấn của DBRP ở các xã điểm này là gì, thưa ông?

- Dự án sẽ tập trung các nguồn lực của tỉnh để đầu tư cho 5 xã làm mô hình điểm cho các xã còn lại của Dự án. Cụ thể, sẽ lồng ghép nguồn vốn của Dự án vào chương trình NTM của xã, lựa chọn các hoạt động được xã ưu tiên để đầu tư, nâng cao năng lực điều phối quản lý cho cán bộ xã. Dự án cũng sẽ ưu tiên phân bổ kinh phí để xã đầu tư các công trình hạ tầng theo đúng chuẩn NTM (xã có thể lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác), hỗ trợ các sáng kiến phát triển kinh tế thông qua mô hình sản xuất, hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng, trình diễn của nông dân và đoàn thể. Đặc biệt, Dự án sẽ giúp 5 xã NTM xây dựng và thực hiện kế hoạch NTM hàng năm và hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá chương trình NTM.

* Ông đánh giá thế nào về hệ thống đánh giá và giám sát của DBRP được thực hiện trong thời gian qua và hệ thống này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng xã NTM?

- Hiện nay, DBRP đang vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá (M&E) khá hoàn chỉnh nhằm đánh giá mức độ thực hiện và hoàn thành các chỉ số bắt buộc và tác động của Dự án theo thiết kế ban đầu. Hệ thống được xây dựng cho Ban quản lý Dự án cấp tỉnh, huyện và xã để ghi nhận những thay đổi, tác động mà Dự án mang lại cho người thụ hưởng và địa phương. Hàng năm, Dự án đều tiến hành khảo sát trong và ngoài phạm vi Dự án để phân tích, đánh giá phản hồi và làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch. Những chỉ số đạt được đều phải dựa trên bằng chứng hỗ trợ cụ thể, không thể phán đoán theo cảm tính. Đối với Chương trình NTM, chúng tôi nghĩ rằng với 19 tiêu chí bắt buộc, các xã cũng phải có một hệ thống theo dõi và đánh giá để ghi nhận các cấp độ hoàn thành tiêu chí, từ đó phục vụ cho quá trình ra quyết định và xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý hàng năm.

* Vai trò của cộng đồng trong xây dựng cơ sở hạ tầng theo cách làm của Dự án từ trước đến nay cũng là hành động tích cực trong xây dựng NTM thưa ông?

- Dự án DBRP khuyến khích sự tham gia của người thụ hưởng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trong 4 năm qua, Dự án đã tài trợ 303 công trình giao thông nông thôn, công trình hạ tầng kinh tế cấp xã để phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Những công trình có sự tham gia của người dân đều được đánh giá là có chất lượng tốt hơn, ít tốn chi phí hơn. Người dân - khi trực tiếp thi công, giám sát, thì đã ý thức được công trình là của chính mình, nên bảo trì, bảo dưỡng công trình cũng tốt hơn. Đối với 5 xã NTM thuộc Dự án DBRP, Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cấp huyện và xã để hỗ trợ các hoạt động theo hướng giao quyền tự chủ, tự thực hiện nhiều hơn cho các nhóm hợp tác, các đoàn thể và người dân.

* Yêu cầu của IFAD đặt ra là những hướng dẫn của Dự án DBRP trong xây dựng xã điểm NTM phải đạt yêu cầu để UBND tỉnh tài liệu hóa thành hướng dẫn chung cho toàn tỉnh. Điều này có gây áp lực cho người làm công tác quản lý, điều hành Dự án ở cấp tỉnh, huyện và xã?

- Chúng tôi khẳng định, 5 xã NTM thuộc Dự án DBRP sẽ được tập trung hỗ trợ theo chương trình NTM của tỉnh. Những việc mà Chương trình NTM của tỉnh, huyện và xã đang làm, đã có kế hoạch thực hiện và nguồn đầu tư thì chúng tôi không lặp lại mà chỉ phối hợp, lồng ghép thêm nguồn lực để nâng tác động thêm của Chương trình. Trong năm 2012, Dự án thảo luận với Ban Chỉ đạo NTM về việc xây dựng cho 5 xã hệ thống theo dõi, giám sát các tiêu chí NTM dựa trên kinh nghiệm của DBRP, từ đó có thể giúp xây dựng 1 hệ thống theo dõi, đánh giá tiêu chí phù hợp cho cấp xã. Nếu hệ thống này vận hành tốt tại 5 xã, Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật để các xã khác tham khảo, học tập kinh nghiệm. Những hoạt động thành công của Dự án đều được tài liệu hóa để chia sẻ trong hệ thống Dự án.

Khôi Minh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN