|
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 15, sáng 21/5 tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế các nước châu Á nói riêng đang trải qua thời kỳ khó khăn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của châu Á là củng cố niềm tin và xây dựng một nền tảng vững chắc với tất cả các yếu tố cần thiết bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật 6 nhóm giải pháp ưu tiên phối hợp hành động nhằm giúp châu Á vượt qua những khó khăn và thách thức to lớn đang phải đối mặt, tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới trong thế kỷ 21.
Theo Thủ tướng, cùng với việc phối hợp hành động trong khu vực để khắc phục khủng hoảng, cần tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác kinh tế và thương mại, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư giữa các nền kinh tế châu Á; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển các tiểu vùng và khu vực chậm phát triển.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một trong những giải pháp để duy trì ổn định và phát triển bền vững của khu vực là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, các vùng và tiểu vùng ở châu Á. Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác trong châu lục, cần tăng cường hợp tác với các châu lục khác trên thế giới, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ và khép kín khu vực.
Bên cạnh đó, châu Á cần coi trọng phát huy bản sắc văn hóa và những giá trị nhân văn truyền thống, lợi ích cộng đồng, tôn vinh giáo dục, phát triển kinh tế phải đi liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống.
Nêu một số giải pháp trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình, hợp tác chặt chẽ với các nước, thực hiện đầy đủ các cam kết để cùng các nước vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là đối phó với khủng hoảng kinh tế, ứng phó với biển đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh, góp phần vào sự phồn vinh của khu vực.
Về mối quan hệ hiện đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng cho rằng việc hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ "Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" là bước tiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chính thức đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới ổn định và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các lĩnh vực hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Giải đáp các câu hỏi liên quan tới chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng khoảng tài chính toàn cầu nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 64 tỷ USD và quí 1/2009 đạt trên 6 tỷ USD. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của mình.
Với chủ đề "Những thách thức châu Á đang phải đối phó, cùng theo đuổi những mục tiêu mới", hội nghị "Tương lai châu Á" năm nay thảo luận những vấn đề khó khăn mà châu Á đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu./.