BDK - Thời gian qua, hưởng ứng các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, nhiều đơn vị, địa phương và người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó đã ươm tạo, hình thành nên lực lượng nòng cốt trong sản xuất; nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Đây là tín hiệu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy gia tăng giá trị sản phẩm làm mục tiêu cho quá trình sản xuất.
Thu mua bưởi da xanh xuất khẩu tại cơ sở Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc).
Từ sau Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết quan trọng tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ khi triển khai nghị quyết, ngành nông nghiệp tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng vùng sản xuất đến các chi hội, tổ hội, phát động nhiều phong trào, các phần việc tích cực, hiệu quả.
Qua gần 4 năm triển khai thực hiện nghị quyết với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết ngành hàng đã nhận được sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Người dân có sự quan tâm trong việc tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và thực hiện liên kết trong sản xuất. Số lượng nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng qua các năm, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cũng không ngừng gia tăng. Đặc biệt, quan tâm đến các tín hiệu thị trường thông qua việc tham gia xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 88 THT, 78 HTX, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; có 26.470ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; bao gồm: dừa 20.401ha, cây ăn trái 664ha và thủy sản 5.405ha. Có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640,52ha; 62 vùng trồng xuất khẩu (có 152 mã) với diện tích 1.054,93ha; có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...
Để góp phần xây dựng người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cũng như tiếp tục phát huy và nhân rộng lực lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cũng như các phần việc cụ thể. Trong đó, thực hiện chương trình khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, đã thành lập được 115 tổ khuyến nông cộng đồng, với khoảng 800 thành viên. Trong đó, có 11 tổ điểm làm cơ sở nhân rộng cho các khu vực lân cận. Hầu hết các thành viên của tổ là hội viên hội nông dân, là những người có kinh nghiệm, tay nghề trong sản xuất. Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập về chuyên môn kỹ thuật là “cánh tay nối dài” của hệ thống khuyến nông để truyền tải thông tin, kỹ thuật tiến bộ đến với người dân, doanh nghiệp, THT, HTX một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất.
Ngành nông nghiệp luôn xác định “kinh tế tập thể” là xu thế tất yếu, mà nòng cốt là hình thức HTX, Liên minh HTX... Hiện tỉnh có 161 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong đó, có 78 HTX tham gia vào chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua chương trình đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ đã từng bước “trí thức hóa nông dân” đáp ứng theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và thị trường.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất của nông dân, THT, HTX để có những hỗ trợ kịp thời. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, ngành tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc xây dựng vùng sản xuất tập trung; vận động nhân dân tham gia vào kinh tế tập thể; gắn chặt với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, tập huấn để ứng dụng tốt hơn khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.