BDK - Tại tỉnh, cây dừa là nguồn sinh kế chính của nhiều hộ gia đình. Theo xu hướng phát triển của thế giới, việc hình thành các hợp tác xã (HTX) quy tụ đông đảo người dân tham gia, vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Hoạt động thu mua, sơ chế dừa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam.
Nhận diện khó khăn
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, định hướng củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác (THT), HTX trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 1.166 THT, 2 liên hiệp HTX, 209 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực. Trong đó, có 153 HTX nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp cơ bản hoạt động đã tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số HTX gắn với chuỗi giá trị dừa hoạt động có hiệu quả, tạo được việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong 153 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 34 HTX tham gia chuỗi giá trị dừa. Hiện nhiều HTX đã chủ động đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để sơ chế dừa, làm mụn dừa như: HTX Nông nghiệp Định Thủy, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, HTX Nông nghiệp Quới Điền, HTX Nông nghiệp Hòa Lợi. Từ đó, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo lòng tin trong nhân dân.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Nổi bật là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Các chương trình hỗ trợ HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, các HTX tham gia chuỗi giá trị dừa vẫn gặp khó khăn. Phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị còn hạn chế. Nhiều HTX chưa đủ điều kiện liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp (DN), dẫn đến hoạt động không ổn định, còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ Nhà nước. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ theo dõi, hỗ trợ kinh tế tập thể tại các địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chưa nắm chắc thực tế hoạt động của các HTX. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật và quản trị HTX chưa được quan tâm đúng mức.
Thúc đẩy phát triển
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các HTX nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị dừa trên địa bàn tỉnh. Đại diện lãnh đạo 27 THT, HTX, liên hiệp HTX tham gia vào chuỗi giá trị dừa, 15 DN tham gia chuỗi giá trị dừa trên địa bàn tỉnh và một số ban, ngành, ngân hàng trên địa bàn tỉnh tham dự.
Vấn đề đặt ra tại buổi đối thoại là cần có các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng tới phát triển bền vững cho các HTX, đặc biệt là trong chuỗi giá trị dừa. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2023 và các chính sách phát triển kinh tế tập thể để nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng. Tăng cường hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, phát triển sản phẩm hữu cơ và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Song song đó có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị HTX, thúc đẩy liên kết giữa HTX và DN để phát triển bền vững. Đồng thời, xử lý dứt điểm các HTX hoạt động kém hiệu quả; cải thiện cơ chế tín dụng và hỗ trợ vốn cho HTX.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh cho rằng: Đối với những khó khăn đã nhận diện, trước mắt chỉ giải quyết được một số vấn đề. Những khó khăn còn lại phải tiếp tục được tháo gỡ, nhưng cần thời gian và nguồn lực thì mới làm được. Quan trọng là cùng nhau làm thì sẽ thành công. Trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp. Tăng cường liên kết giữa HTX và DN. Cần có các hoạt động tuyên truyền hiệu quả để nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của HTX và liên kết sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh: Hỗ trợ HTX không phải chỉ là vấn đề của ngành nông nghiệp, của Liên minh HTX, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương. Nếu lãnh đạo ở một xã không quan tâm thì rất khó để HTX ở xã đó phát triển. Các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX. Đặc biệt là việc thành lập quỹ phát triển HTX. Các HTX và DN cần lưu ý về quy hoạch đất đai khi mua - xin thêm đất để phát triển sản xuất, tránh rủi ro và kêu gọi sự hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại đối với hoạt động của các HTX đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 20.781,6ha dừa hữu cơ, chiếm 25,9% diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 16.535,8ha. Đến nay, có 8 DN chế biến dừa tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm. Các tiêu chuẩn hữu cơ được áp dụng như Mỹ (USDA), Liên minh châu Âu (EU), Nhật (JAS), Đài Loan, Trung Quốc... Chủ sở hữu các chứng nhận hữu cơ hiện do DN chế biến dừa đứng tên và chi trả tất cả các chi phí thực hiện, phí chứng nhận hàng năm.