BDK.VN - Diễn đàn Mekong Connect 2024 diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12-2024 tại Đại học An Giang, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long - TP. Hồ Chí Minh và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Ông Trần Văn Đức trình bày tham luận "Bến Tre nâng cao chuỗi giá trị dừa xuất khẩu bằng công nghệ mới".
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Tham gia tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre Trần Văn Đức - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) đã trình bày tham luận: “Bến Tre nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xuất khẩu bằng công nghệ mới”.
Ông Trần Văn Đức đã giới thiệu chuỗi giá trị từ dừa bằng công nghệ mới với máy móc thiết bị hiện đại cho ra những sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm đa dạng phong phú từ những phụ phẩm phế phẩm của dừa tại Bến Tre.
Khu vực ĐBSCL chiếm 88,1% diện tích dừa cả nước, với khoảng 171 ngàn héc-ta. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất khu vực với hơn 78 ngàn héc-ta. Bến Tre có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Từ những phân tích cho thấy, tiềm năng của cây dừa và lợi thế về tài nguyên bản địa để có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị, sản lượng dừa. Hiện nay, dừa Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới sau: Philippin, Indonesia, Ấn Độ, Brazil và cả nước hiện có trên 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 trên 900 triệu USD kim ngạch xuất khẩu dừa của Bến Tre gần 500 triệu USD/năm.
Ngành dừa gồm sản xuất thực phẩm, thức uống, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y học, than hoạt tính, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm dừa… Hiện nay, khoa học công nghệ đang định hình dẫn dắt cho ngành dừa Bến Tre với các sản phẩm mới không chỉ mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa, đáp ứng đa dạng nhu cầu sức khỏe, dinh dưỡng mà còn hướng tới xu hướng tăng trưởng xanh, carbon thấp và sẽ đóng góp tích cực hơn nữa hướng kim ngạch xuất khẩu từ dừa vượt 1 tỷ USD.
Qua đó, ông cũng có những kiến nghị: Cây dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt là cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu; thương hiệu dừa được nâng tầm trong nước và quốc tế; có chính sách phát triển toàn diện cây dừa, đầu tư trong sản xuất và chế biến hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, xây dựng cơ chế hợp tác - phát triển bền vững nông dân doanh nghiệp hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững trên nền tài nguyên bản địa.