BDK - Việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) là một yêu cầu bắt buộc của nhiều quốc gia nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành về đăng ký cấp MSVT dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Khách trong nước và quốc tế tham quan vùng trồng dừa uống nước theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam.
Đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu
Tỉnh có rất nhiều lợi thế chất lượng sản phẩm từ chất lượng của trái như: độ ngọt thanh, kỹ thuật canh tác, vùng nguyên liệu rộng lớn, kinh nghiệm sản xuất sản phẩm dừa gọt của các cơ sở đóng gói trong và ngoài tỉnh là lợi thế trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, sự quan tâm của người dân trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu là lợi thế quan trọng nhất.
MSVT là “chứng chỉ” giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo dừa xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế. Mỗi MSVT được quản lý chặt chẽ từ quy trình hoạt động đến thu hoạch.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam, hình thức sản xuất và đóng gói quả tươi, việc thực hiện đăng ký cấp MSVT và cơ sở đóng gói được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện theo Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23-3-2023 của Bộ NN&PTNT phục vụ xuất khẩu và thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.
Ông Võ Văn Nam chia sẻ: Trước đây, sản phẩm dừa uống nước xuất sang thị trường Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch mang nhiều tiềm ẩn rủi ro trong quá trình mua bán hàng hóa, chất lượng sản phẩm chưa được chuẩn hóa. Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường chính ngạch thông qua MSVT và mã số cơ sở đóng gói tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài tỉnh có cơ hội cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với các quốc gia khác.
Với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương, đến nay, tỉnh có 133 MSVT và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. “Việc chuẩn hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản xuất của các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp sản xuất và chế biến được giám sát, kiểm tra bởi các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT”, ông Võ Văn Nam khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Nam, cần nhìn nhận rằng, hiện nay, tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến các hệ thống canh tác trên vườn dừa. Sau thời gian chống chịu xâm nhập mặn cần thời gian phục hồi sản xuất dẫn đến sản lượng sẽ bị sụt giảm gây khó khăn trong nguồn cung xuất khẩu. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, việc tập hợp vùng sản xuất lớn đồng bộ chất lượng còn gặp nhiều khó khăn…
Đối với việc xây dựng MSVT và đóng gói, qua thực tế còn nhiều bất cập trong quá trình sản xuất nhưng lại thiếu chế tài cụ thể và đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các vi phạm về MSVT và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.
Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm
Định hướng giải pháp trong thời gian tới, ông Võ Văn Nam cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, hỗ trợ và hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Ngoài ra, để củng cố sản xuất và tuyên truyền đến các hộ sản xuất, sở đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trong thực hiện các mô hình sản xuất cần có sự nghiên cứu liên kết với các đơn vị, cơ sở sản xuất, chế biến có nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu. Từ đó, hướng dẫn cụ thể về sản xuất cho người dân, phổ biến các quy định và yêu cầu mà thị trường Trung Quốc quan tâm để cùng thực hiện sản xuất có hiệu quả và chất lượng.
Theo Bộ NN&PTNT, để duy trì thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến đóng gói. Quy trình đăng ký MSVT và cơ sở đóng gói được hướng dẫn theo Công văn số 1776/BNN-BVTV, giúp đảm bảo nguồn cung cấp ứng dụng ổn định và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các quy định về chế tài mạnh để xử lý vi phạm đặc biệt là đối với các trường hợp không tuân thủ MSVT và cơ sở đóng gói. Điều này yêu cầu Bộ NN&PTNT cần ban hành các quy định cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Do đó, sở cũng đã có ý kiến với Bộ NN&PTNT về việc xem xét ban hành văn bản luật định để quản lý có hiệu quả hơn.
Là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước với khoảng 80 ngàn héc-ta, cây dừa đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội của địa phương. Hơn 70% dân số của tỉnh sống nhờ vào dừa, toàn tỉnh có hơn 163 ngàn hộ trồng dừa.
Việc xây dựng MSVT là yêu cầu tất yếu. Đây không chỉ là yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc mà còn là yếu tố cốt lõi giúp đảm bảo chất lượng và uy tín sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào giá trị toàn cầu của chuỗi. Ngoài ra, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu, MSVT sẽ giúp doanh nghiệp và nông dân tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, củng cố niềm tin của người tiêu dùng quốc tế vào trái dừa tươi uống nước của Việt Nam.
Toàn tỉnh hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành về đăng ký cấp MSVT dừa tươi xuất khẩu với diện tích 8.373,61ha và 12.829 hộ tham gia, phân bố tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre.