BDK.VN - Chiều 3-1-2025, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị dừa trên địa bàn tỉnh. Chủ trì hội nghị có, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Nguyễn Thanh Phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Hiện toàn tỉnh có 153 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 34 HTX tham gia chuỗi giá trị dừa, hiện nhiều HTX đã chủ động đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để sơ chế dừa, làm mụn dừa. Từ đó giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo lòng tin trong nhân dân. Một số HTX tiêu biểu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nổi bật là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Các chương trình hỗ trợ HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đại diện lãnh đạo một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa có ý kiến tại hội nghị.
Tuy nhiên, các HTX tham gia chuỗi giá trị dừa vẫn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị còn hạn chế. Nhiều HTX chưa đủ điều kiện liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, dẫn đến hoạt động không ổn định, còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ Nhà nước.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ theo dõi, hỗ trợ KTTT tại các địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chưa nắm chắc thực tế hoạt động của các HTX. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật và quản trị HTX cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Tại hội nghị, các HTX nêu ra hàng loạt khó khăn như: Thiếu quỹ đất xây dựng trụ sở, kho bãi, cơ sở sơ chế; khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; thiếu hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận hữu cơ và mã số vùng trồng. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn tăng cường liên kết với HTX để xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo đó, vấn đề đặt ra tại buổi đối thoại là cần có các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng tới phát triển bền vững cho các HTX, đặc biệt là trong chuỗi giá trị dừa, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật hợp tác xã năm 2023 và các chính sách phát triển KTTT để nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng.
Tăng cường hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, phát triển sản phẩm hữu cơ và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Song song với đó là có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị HTX, thúc đẩy liên kết giữa HTX và doanh nghiệp để phát triển bền vững. Đồng thời xử lý dứt điểm các HTX hoạt động kém hiệu quả, cải thiện cơ chế tín dụng và hỗ trợ vốn cho HTX.
Các sở, ngành tỉnh trả lời, giải đáp các ý kiến của các hợp tác xã.
Kết luận tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh lưu ý, cần tăng cường sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cấp chính quyền để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT các cấp. Tăng cường liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Cần có các hoạt động tuyên truyền hiệu quả để nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của HTX và liên kết sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX, đặc biệt là việc thành lập quỹ phát triển HTX. Các HTX và doanh nghiệp cần lưu ý về quy hoạch đất đai khi mua - xin thêm đất để phát triển sản xuất, tránh rủi ro và kêu gọi sự hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại đối với hoạt động của các HTX đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn…