
Mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.
Huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện, các xã, hợp tác xã (HTX) và các chủ thể trong việc triển khai thực hiện xây dựng, nâng cao chất lượng CGT sản phẩm NN “3 cây, 3 con” theo hướng phát triển ổn định, bền vững, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm chuỗi gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn.
Hiện nay, các CGT của huyện được hình thành và từng bước phát triển ổn định. Trong đó, các chuỗi cây lúa, dừa, xoài, bò và tôm biển đang hoàn thiện và phát triển mạnh; tập trung phát triển các loại hình sản xuất phù hợp theo từng vùng sinh thái của các tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm hàng đầu. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về CGT cây lúa, huyện tiếp tục thực hiện việc ký kết hợp đồng với các công ty trong bao tiêu sản phẩm lúa cho người dân với diện tích hàng năm trên 650ha, tăng 150ha so với năm 2020. Tập trung ở các xã An Nhơn, An Quy, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An. Hiện nay đang tập trung phát huy nhãn hiệu tập thể lúa sạch Thạnh Phú và phối hợp triển khai chỉ dẫn địa lý lúa sạch Thạnh Phú.
CGT cây xoài với diện tích trên 480ha, tăng 180ha so với năm 2020, tập trung ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn. Hiện nay, người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị cây. Thông qua HTX Dịch vụ sản xuất NN Thạnh Phong ký kết hợp đồng với DN tiêu thụ xoài trái. Trái xoài tứ quý được công nhận và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”; đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP 130ha, tăng 120ha so với năm 2020 ở xã Thạnh Phong và Thạnh Hải.
CGT cây dừa có tổng diện tích khoảng 7.612ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 67,7 triệu trái. Trong đó, có hơn 705ha dừa trồng theo mô hình hữu cơ cho giá trị cao, với 752 hộ. Các HTX phối hợp với các công ty thu mua dừa phát triển mô hình trồng dừa theo hướng hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường và tiêu thụ dừa lấy dầu, giúp người trồng có thu nhập ổn định và mở rộng các dịch vụ khác từ sản phẩm dừa nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho thành viên. Triển khai mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng dừa tại các xã Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Bình Thạnh.
CGT con bò và gia cầm, hiện tổng đàn bò của huyện là 47.300 con, tăng 2.800 con so với năm 2020, đang duy trì và nâng chất lượng đàn bò giống, bò thương phẩm. Thí điểm xây dựng mô hình tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Mỹ Hưng đem lại hiệu quả, đàn bò sữa phát triển tốt, hiện nay tổng đàn bò sữa có 131 con, trong đó số bò đang cho sữa khoảng 50 con, sản lượng sữa từ 500 - 600kg/ngày, giá bán sữa ổn định và cho thu nhập khá. Tổng đàn gia cầm bình quân 700 ngàn con/năm. Đang thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, liên kết với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng tiêu thụ đầu ra ổn định với mức giá bán cao hơn giá thị trường từ 10 ngàn đồng/kg trở lên.
Việc triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao được quan tâm vận động phát triển. Đến nay, toàn huyện có 1.247ha, đạt 83,13% chỉ tiêu tỉnh giao (đến năm 2025 theo kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển giai đoạn 2021 - 2025), tập trung ở các xã vùng lợ, mặn, đạt năng suất cao.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ các chủ thể xây dựng, hoàn thiện sản phẩm, tham mưu trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình CCOP huyện đánh giá, phân hạng 2 đợt công nhận 18 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, nâng tổng số 32 sản phẩm OCOP; trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 29 sản phẩm 3 sao.
Bài, ảnh: Phương Mai