Xử lý rác đúng cách góp phần bảo vệ môi trường

09/05/2019 - 21:49

Người dân đốt rác ven đường quốc lộ 57 đoạn qua huyện Chợ Lách. Ảnh: T.Đồng

Người dân đốt rác ven đường quốc lộ 57 đoạn qua huyện Chợ Lách. Ảnh: T.Đồng

Đối với rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, ở khu vực đô thị, rác thường được thu gom, tập kết vào các bãi lộ thiên để xử lý tập trung bằng nhiều cách. Tuy nhiên, đối với khu vực nông thôn, không tổ chức thu gom rác, người dân thường có thói quen xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố chôn tại mỗi gia đình. Việc xử lý rác không đúng cách sẽ gây hại đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa biết cách phân loại rác, trong lúc chôn hoặc đốt rác sinh hoạt còn để lẫn vào các loại rác vô cơ (nhựa, túi nylon…) là những loại khó phân hủy và phát sinh chất độc khi đốt.

Để phân loại và xử lý rác đúng cách, người dân cần lưu ý:

1. Phân loại rác đúng cách: Rác hữu cơ là các chất thải có thành phần hữu cơ, dễ dàng phân hủy trong điều kiện tự nhiên (các loại thực vật, rác thải từ các sinh vật); rác vô cơ là loại không thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc muốn phân hủy phải cần thời gian rất dài (túi nylon, hộp xốp, ly nhựa, ống hút, cao su, vật liệu xây dựng…). Trong rác vô cơ có thể lọc ra các loại rác vô cơ tái chế được (chai nhựa, lon nhôm, giấy báo…) để tái sử dụng hoặc bán cho nơi thu gom tái chế.

2. Xử lý rác đúng cách: Rác hữu cơ có thể được xử lý bằng cách đào hố chôn, có rắc chế phẩm sinh học để rác phân hủy nhanh, không gây mùi hôi, sản phẩm ủ trở thành phân bón cho cây trồng. Thu gom các loại rác vô cơ để được xử lý tại lò đốt chuyên dụng, không đốt các loại rác vô cơ không tái chế được như túi nylon, cao su, hộp xốp… tại nhà, nơi công cộng vì sẽ gây ra khí nguy hại, gây bệnh như cacbon oxit, hydro cacbon, dioxin…

3. Không tập kết, vứt rác thải bừa bãi ra môi trường, nhất là không vứt rác bừa bãi ra sông, rạch, ao, hồ.

4. Hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng 1 lần như: ly, chén, dĩa nhựa, hộp xốp, ống hút, túi nylon… Vì đây là những loại phải cần thời gian hàng trăm năm để phân hủy. Khi các loại vật dụng này phân hủy sẽ thải ra môi trường các chất dạng vi nhựa làm ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sản xuất 300 triệu tấn nhựa và lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Năm 2018, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka là 5 nước có số lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tại các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích